Cả 3 ông lớn Hòa Phát, Masan, Thế giới di động cùng lúc bị đẩy ra khỏi Bảng xếp hạng TOP10 doanh nghiệp uy tín, hiệu quả năm 2023, thay thế là những cái tên mới.
CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố bảng xếp hạng VIX50 – TOP 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023. Bảng xếp hạng năm nay có rất nhiều xáo trộn so với năm 2022, trong đó ghi nhận vị trí số 1 đổi chủ, nhiều doanh nghiệp thăng tiến lớn trên bảng xếp hạng, những tân binh lần đầu lọt TOP và cả những ông lớn bị đẩy khỏi TOP10...
Bảng xếp hạng TOP 10 doanh nghiệp uy tín, hiệu quả năm 2023 đón nhận 3 thành viên mới - đều là những sự bất ngờ lớn: Đạm Phú Mỹ, FPT và HDBank - mỗi thành viên đều ở các lĩnh vực khác nhau. Cùng xem Đạm Phú Mỹ, FPT và HDBank có gì để có thể “đẩy” những ông lớn ra khỏi TOP10 này.
Vietcombank: Bước nhảy từ vị trí số 6 lên thẳng số 1
Có 7 yếu tố chính ảnh hưởng nhiều nhất đến uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp đại chúng trên thang điểm 5 bao gồm kết quả kinh doanh, hiệu quả kinh doanh (ROE, ROA, ROS), lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS), tuân thủ quy định công bố thông tin, mức độ đa dạng và hiệu quả truyền thông, chính sách cổ tức, thanh khoản và định giá doanh nghiệp…
Về tình hình kinh doanh, năm 2022 Vietcombank đạt 37.368 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 36% so với năm 2021. EPS tăng mạnh từ 4.162 đồng năm 2021 lên 5.821 đồng năm 2022.
Vietcombank cũng ghi dấu ấn khi luôn duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp với 0,68% năm 2022 - thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung toàn ngành. Chỉ tiêu NIM đạt 3,39%. ROAE đạt 24,44% và chỉ tiêu ROAA đạt 1,85% - đều cao hơn cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022 vừa qua Vietcombank đã là năm thứ 7 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng TOP10 ngân hàng thương mại uy tín do Vienam Report trao tặng – đây là kết quả đánh giá dựa trên nghiên cứu độc lập những đại diện ngân hàng hoạt động hiệu quả, giàu kinh nghiệp, có vị thế trong ngành và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung toàn ngành.
Trên thị trường cổ phiếu VCB là một trong những cổ phiếu nhóm ngân hàng được nhiều nhà đầu tư chọn là nơi “tránh sóng” khi thị trường chứng khoán giảm mạnh. Vietcombank cũng dẫn đầu TOP những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bất ngờ với Đạm Phú Mỹ
Năm 2022 được xem là năm có rất nhiều dấu ấn với các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất khi giá tăng mạnh. Phần lớn các doanh nghiệp ngành phân bón đều có lợi nhuận gia tăng. Tổng CTCP Phân bón và hóa chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ - mã chứng khoán DPM) là một trong những ông lớn trong ngành.
Bảng xếp hạng Top 10 doanh nghiệp uy tín, hiệu quả năm 2023 có 2 doanh nghiệp trong ngành phân bón, hóa chất là Hóa chất Đức Giang (DGC) và Đạm Phú Mỹ. Trong khi cái tên Hóa chất Đức Giang đã quen thuộc từ năm 2022 với vị trí thứ 7, và rớt xuống thứ 10 vào năm nay, thì Đạm Phú Mỹ - tân binh của bảng bất ngờ vọt thẳng lên vị trí số 2 ngay sau Vietcombank.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2022 tăng trưởng gần 46% lên trên 18.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng đạt mức tăng trưởng đến 76,7%, lên trên 5.600 tỷ đồng. Năm 2022 cũng là năm Đạm Phú Mỹ đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, truyền thông, tổng tiền chi cho quảng cáo, an sinh xã hội, truyền thông lên đến 318 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Vietnam Report cho rằng các phương tiện truyền thông có thể có tác động đáng kể đến các doanh nghiệp đại chúng thông qua: giá cổ phiếu, nhận thức của công chúng, mối quan hệ của các bên liên quan và các quyết định chiến lược.
Dữ liệu phân tích Media Coding trong giai đoạn 4/2022-3/2023 của Vietnam Report cho biết 5 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông của các doanh nghiệp đại chúng không có sự thay đổi so với năm trước, bao gồm: Tài chính/ Kết quả kinh doanh, cổ phiếu, hình ảnh/PR/Scandals, sản phẩm và quản trị.
HDBank vượt qua nhiều tên tuổi, lọt TOP5 ngân hàng uy tín nhất
Ở nhóm ngành ngân hàng, bảng xếp hạng năm nay vinh danh thêm Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank – mã chứng khoán HDB). HDBank vượt qua rất nhiều ngân hàng khác, lọt TOP 5 ngân hàng uy tín, hiệu quả nhất. HDBank cũng xếp trên cả ACB, Vinhomes và Hóa chất Đức Giang, ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng TOP10 công ty đại chúng uy tín, hiệu quả năm 2023.
Năm 2022 HDBank ghi nhiều dấu ấn. Về hiệu quả kinh doanh, năm 2022 HDBank đạt 10.268 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 27,2% so với cùng kỳ, ghi danh vào câu lạc bộ chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận của năm. Tổng tài sản cũng gia tăng nhanh chóng, vượt 416.200 tỷ đồng.
Chỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2022 đạt 23,5%; và lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) đạt 2,1% đều cao hơn cùng kỳ năm trước – chỉ số hiệu quả thuộc Top đầu hệ thống các NHTM Việt Nam.
Ngay từ đầu năm 2022 HDBank liên tục được nhắc tới khi triển khai gói vay 10.000 tỷ đồng, giúp công nhân tại 8 tỉnh thành tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm góp phần đẩy lùi tín dụng đen, hỗ trợ nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất và phát triển. HDBank – ngân hàng số hạnh phúc – Happy Digital Bank – đã thực sự mang hạnh phúc đến cho hàng nghìn công nhân.
Không chỉ mang hạnh phúc đến cho công nhân, HDBank còn mang niềm vui đến cho cổ đông khi là một trong số ít ngân hàng duy trì việc chia cổ tức đều đặn hàng năm. Mới đây cổ đông HDBank đã nhận được số cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10%. Trong các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp năm nay, VNR cho biết chính sách cổ tức đã vươn lên từ vị trí thứ 8 năm ngoái trở thành yếu tố ảnh hưởng lớn thứ 6 trong năm 2023.
Với những điểm nhấn tạo được, cổ phiếu HDB đang nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Chứng khoán VCSC nhận định tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu này. Khối ngoại cũng đã có những chuỗi dài mấy chục phiên mua ròng cổ phiếu HDB. Các chuyên gia nhận định HDB là một trong những cổ phiếu tốt để tích sản, tiềm năng tăng trưởng mạnh.
FPT – góp tia nắng giữa mùa đông ảm đạm
Trong nhóm ngành kỹ thuật số, công nghệ, bán lẻ kỹ thuật số, FPT là đại diện duy nhất lọt TOP10 doanh nghiệp uy tín, hiệu quả nhất năm 2023. FPT xuất hiện và chiếm luôn vị trí số 3 trên bảng xếp hạng.
Xét về tình hình kinh doanh, năm 2022 FPT đạt mức kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận, trong đó doanh thu tăg trưởng 23,4%, vượt 44.000 tỷ đồng - vượt đỉnh đạt được năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 6.500 tỷ đồng, cũng đạt mức tăng trưởng 21% so với cùng kỳ.
FPT cũng là doanh nghiệp thực hiện chia cổ tức đều đặn hàng năm cho cổ đông. Năm 2022 cổ đông FPT nhận cổ tức tổng tỷ lệ 35%, trong đó có 2 đợt bằng tiền mặt, tổng tỷ lệ 20% đều bằng tiền. Ngoài ra còn đợt trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%.
Trên thị trường FPT là cổ phiếu có thanh khoản ổn định, cũng là lựa chọn để nhà đầu tư “tránh bão” mỗi dịp thị trường biến động mạnh. Hiện tại FPT đang giao dịch ở vùng giá 83.100 đồng/cổ phiếu, vốn hóa doanh nghiệp đạt xấp xỉ 91.800 tỷ đồng.
Chủ tịch Trương Gia Bình của FPT còn cho rằng FPT đã góp “tia nắng giữa mùa đông ảm đạm” khi doanh nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng tốt năm 2022 trong khi nhiều doanh nghiệp khác đang vật lộn do những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 và nguồn cung đứt gãy.
Top 6 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023
Vietnam Report nhận định tình trạng tăng trưởng chậm trên toàn bộ các ngành đã được phản ánh qua kết quả kinh doanh Quý I/2023 của các doanh nghiệp đại chúng với tổng lợi nhuận sau thuế giảm 26,3% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh khó khăn chung, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, top 6 ngành được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá tiềm tăng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất bao gồm: Ngân hàng, Sản xuất thực phẩm, Sản xuất & Phân phối Điện, Sản xuất Dầu khí, Du lịch & Giải trí, Dược phẩm, Xây dựng và Vật liệu.
Top 6 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023 còn có sự góp mặt của Xây dựng và vật liệu. VNR cho rằng đó là do niềm tin vào việc hưởng lợi trực tiếp từ các dự án đầu tư công của chính phủ và ngành Du lịch & Giải trí với tiềm năng bứt phá mạnh sau Covid-19, đặc biệt là với những biện pháp nới lỏng các quy định nhập cảnh du lịch, cấp thị thực điện tử (e-visa) và lực đẩy từ dòng khách ngoại trong đó có Trung Quốc sau khi quốc gia này mở cửa trở lại.