Đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về vấn đề bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng.
Chiều ngày 23/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong phần tham luận, nhiều Đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về vấn đề bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hòa đề xuất không cho phép tổ chức tín dụng liên kết với công ty bảo hiểm, khiến nảy sinh trường hợp giao chi tiêu cho nhân viên vận động khách hàng mua bảo hiểm.
Ông Hòa lấy ví dụ về vụ việc xảy ra tại Manulife vừa qua, gây bức xúc cho khách hàng cũng như làm giảm niềm tin với thị trường bảo hiểm. Ông cũng phản ánh thực trạng về việc người dân đến khiếu nại bảo hiểm thì ngân hàng trả lời “không biết, không có trách nhiệm, còn người môi giới ngân hàng đã cho nghỉ việc lâu rồi”.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hòa |
Đại biểu Hòa cho rằng nếu muốn được cho phép liên kết, ngân hàng cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp có sự cố, tranh chấp xảy ra với khách hàng.
Ông Phạm Văn Thịnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cũng kiến nghị cần cân nhắc về việc cho phép ngân hàng làm đại lý bảo hiểm. Theo ông, vấn đề trên về mặt lý luận sẽ tạo ra xung đột lợi ích và cũng đã được chứng minh trong thực tiễn vừa qua.
“Mức chiết khấu từ 70% đến 80% cho doanh thu phí bảo hiểm trong hai năm đầu đối với bảo hiểm nhân thọ tử kỳ hỗn hợp là rất hấp dẫn và khó cưỡng lại được, khiến việc kiểm soát rất khó khăn”, ông nói.
Đại biểu cho rằng bên cạnh việc là ngân hàng là đại lý phát hành chứng khoán hoặc các sản phẩm khác, cũng cần cân nhắc về việc cho ngân hàng làm đại lý bảo hiểm.
Về quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng, ông Thịnh cho biết thế yếu thường rơi về phía khách hàng. Do đó, Đại biểu đề nghị cần có cơ chế để bảo vệ quyền lợi của người yếu thế.