Thực tế rất khó xử lý triệt để sở hữu chéo, chi phối trong ngân hàng.
Một trong các điểm nóng nhận được nhiều ý kiến và tranh luận tại nghị trường Quốc hội chiều 23/11 khi thảo luận về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là vấn đề xử lý tình trạng sở hữu chéo, chi phối trong ngân hàng.
Giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay những quy định đặt ra là để khi có sai phạm có căn cứ để xử lý, chứ điều quan trọng là tổ chức thực hiện.
Bà phân tích, quy định tỷ lệ sở hữu của cá nhân là 5% nhưng nếu cổ đông cố tình nhờ người khác đứng tên, thì việc xử lý thao túng rất khó. Vì thế, để xử lý được cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các bộ, ngành, địa phương và có hệ thống thông tin doanh nghiệp, cá nhân để xác thực họ là ai, liên quan thế nào tới doanh nghiệp vay vốn.
Với những cổ đông nắm giữ trên 1% cổ phần của các tổ chức tín dụng thì phải công khai. Có những trường hợp chỉ là nhân viên bình thường không có thu nhập cao mà nắm giữ cổ phần lớn của ngân hàng cũng là một trong những dấu hiệu để điều tra, làm rõ. Vì vậy, khi công khai, minh bạch được sẽ góp phần xử lý tình trạng nhờ người đứng tên hộ tại ngân hàng.
Để giảm thao túng đầu ra của tổ chức tín dụng, dự thảo Luật cũng đưa ra quy định về việc giảm dư nợ tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan từ 15% xuống 10%. Tuy nhiên, quá trình siết giảm này cần có lộ trình và sẽ giao Chính phủ xây dựng lộ trình cụ thể.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát tại các tổ chức tín dụng. Bộ phận kiểm soát tại các tổ chức tín dụng cũng phải đóng vai trò là giám sát tối cao để hạn chế tình trạng thao túng trong ngân hàng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Chuyển giao ngân hàng 0 đồng 'chưa từng có tiền lệ'
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm nay là khả thi