ĐBQH Hà Sỹ Đồng: ‘Cán bộ, công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu thì lương cũng mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện’
Theo vị ĐBQH này, lương thấp dẫn tới các địa phương xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, Quốc hội ủng hộ nhưng “nhân tài thì vẫn như lá mùa thu”.
Theo thông tin đăng tải trên báo Dân Trí, trong phiên thảo luận chiều 4/11 về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị, đã nêu lên thực trạng đáng lo ngại về việc nhiều công chức chuyển sang khu vực tư nhân, đặc biệt là những người có chuyên môn cao.
“Nhân tài như lá mùa thu” vì lương không đảm bảo
Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh rằng việc thu hút nhân tài vào khu vực công vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do mức lương khởi điểm không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt, nhất là việc thuê nhà ở các thành phố lớn.
Ông cũng đề cập đến ý kiến từ buổi thảo luận tổ, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các luật về đầu tư đã có những điểm đột phá, giúp giải phóng sức sản xuất và khơi thông nhiều nguồn lực, đặc biệt trong các lĩnh vực mới. Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng: “Để gỡ được điểm nghẽn thể chế thì rất cần tháo gỡ về nhân lực. Bởi, nhân lực thực sự cũng đang bị nghẽn”.
Ông cũng đề cập rằng, mặc dù việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và cải cách tiền lương đã được bàn thảo nhiều, nhưng những tiến triển này chưa đủ mạnh. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, mục tiêu sắp xếp và tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước về cơ bản đã hoàn thành.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến tại kỳ họp này về tình trạng cán bộ, công chức sợ sai và sợ trách nhiệm. Trong khi đó, kết quả xếp loại chất lượng công chức năm 2023 cho thấy chỉ 6,57% không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc. Từ thực tế này, đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi: Liệu kết quả đánh giá đã phản ánh đúng thực chất tình hình hay chưa?
“Về cải cách tiền lương, không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay. Cho dù như vậy, một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu thì lương cũng mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện chứ chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác”, đại biểu cho hay.
Điều này dẫn tới các địa phương xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, Quốc hội ủng hộ nhưng “nhân tài thì vẫn như lá mùa thu”.
“Chính phủ cần có những đột phá về nhân lực mới gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu rõ.
Có nhân lực tốt mới duy trì được đà tăng trưởng
Phát biểu tranh luận về vấn đề này, đại biểu Vũ Trọng Kim đoàn Nam Định bày tỏ sự ủng hộ về việc phải tháo gỡ điểm nghẽn về nhân lực nhưng để làm được điều này thì “có bột mới gột nên hồ”.
Để minh chứng, ông dẫn câu chuyện từ Hàn Quốc, quốc gia này hỗ trợ tài chính để khuyến khích thanh niên kết hôn nhằm thúc đẩy các chính sách về dân số. Đây là cách “ra bột, ra hồ” mà Việt Nam cần học hỏi để phát triển bền vững.
Quay lại câu chuyện trong nước, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng Việt Nam cần áp dụng các chính sách dân số phù hợp, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số đang gia tăng. “Phải có nguồn nhân lực tốt thì mới duy trì được đà tăng trưởng 6 - 7% trong thời gian tới; phải chuẩn bị kỹ để làm chủ nền công nghiệp hiện đại, thu nhập cao, vì nó sẽ đến trong tương lai gần”, ông nhấn mạnh.
Về vấn đề tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính cấp huyện và xã, đại biểu nhận định rằng “nếu chỉ như vậy thì chưa được” và cần tiến hành cách mạng hóa biên chế ở cả cấp Trung ương và địa phương để đạt hiệu quả thực sự.
“Có đồng chí bộ trưởng nói với tôi rằng, nếu bộ đó giảm 30 - 40% biên chế thì cũng chẳng hề hấn gì”, đại biểu Vũ Trọng Kim chia sẻ. Ông khẳng định việc giảm biên chế sẽ mang lại hai lợi ích lớn: giảm số lượng người gây sách nhiễu và tăng lương cho những cán bộ tận tâm, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả làm việc.
>> Đại biểu Quốc hội TP.HCM: 'Không tăng lương công chức, nhưng phải tăng lương hưu, trợ cấp năm 2025'