Để con theo trường quốc tế, mẹ chi 9 tỷ đồng và chuyện 'nhà giàu cũng khóc'
Hình thức vay vốn thông qua “gói đầu tư giáo dục” – trả học phí trước nhiều năm hấp dẫn nhiều phụ huynh. Bên cạnh nhiều gia đình có con được học môi trường quốc tế ổn định, cũng không ít người “khóc ròng” vì không thể đòi được số tiền đã "xuống tay".
LỜI TÒA SOẠN
Vừa qua, nhiều phụ huynh chật vật đòi lại số tiền đã cho trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) vay nhưng bất thành. Nguyên nhân xuất phát từ giao dịch giữa trường và phụ huynh - một hình thức giúp nhiều trường tư thục huy động vốn. Bản chất hình thức này như thế nào? có đảm bảo tính pháp lý, mời quý độc giả đọc tuyến bài Mô hình huy động vốn từ phụ huynh ở trường quốc tế - Lợi ích lớn hay rủi ro nhiều?
Cha mẹ mất tiền, việc học của con 'đứt gánh giữa đường'
Đầu năm 2017, chị Mai (huyện Nhà Bè) có con học lớp 8 tại trường Quốc tế Mỹ cho trường vay hơn 3 tỷ đồng, không tính lãi suất trong thời gian nhà trường đào tạo học sinh. Ngược lại, con của chị Mai sẽ học đến hết lớp 12 với mức phí là 0 đồng. Hai bên làm hợp đồng vay vốn, có công chứng viên.
Chị Mai và trường Quốc tế Mỹ cũng ký phụ lục hợp đồng về việc điều chỉnh số tiền của chị cho nhà trường vay từ tiền Việt Nam sang số tiền tương đương là hơn 140.000 USD.
Tháng 6/2022, con gái chị Mai hoàn thành lớp 12. Cuối tháng đó, nhà trường gửi email cho phụ huynh đề xuất thời gian hoàn trả số tiền. Cụ thể, chậm nhất đến đầu tháng 7, nhà trường sẽ hoàn trả số tiền 50.000 USD; chậm nhất đến cuối tháng 9 sẽ hoàn trả 45.000 USD và chậm nhất đến cuối tháng 10 hoàn trả khoảng 45.000 USD còn lại.
Dù đưa ra kế hoạch hoàn trả tiền cho chị Mai trong 3 lần, nhưng trên thực tế trường Quốc tế Mỹ mới trả cho chị được một một phần nhỏ số tiền. Sau đó, chị Mai gửi email yêu cầu hoàn trả số tiền còn lại. Trường Quốc tế Mỹ đã nhiều lần trì hoãn và gửi mail đề nghị cho kéo dài thời gian hoàn trả.
“Hiện tại hoàn cảnh kinh tế của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân tôi cũng nhiều lần thể hiện thiện chí và hợp tác với nhà trường để tìm cách giải quyết tốt nhất cho cả hai bên. Tuy nhiên, kết quả là chúng tôi vẫn không nhận được sự hợp tác và thiện chí hoàn trả của nhà trường”, chị Mai nói.
Theo chị Mai, việc trường Quốc tế Mỹ trì hoãn kéo dài, không có thiện chí trả khoản nợ theo cam kết đã ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý, tài chính của gia đình và tới việc học đại học của con. Từ khi con chị học hết lớp 12 (từ tháng 6/2022) đến nay đã hơn 2 năm, nhà trường vẫn không thực hiện đúng nghĩa vụ.
Tháng 5/2023, chị Mai đã làm đơn kiện trường Quốc tế Mỹ lên toà án nhân dân huyện Nhà Bè. Đơn kiện yêu cầu trường trả số tiền còn lại, đồng thời trả cho chị Mai tiền lãi phát sinh từ tháng 7/2022 đến nay, theo lãi suất của ngân hàng. Từ đó đến nay, chị Mai vẫn chưa đòi thêm được đồng nào vì trường Quốc tế Mỹ đã rơi vào tình trạng hết tiền.
Sự thật mô hình huy động vốn từ phụ huynh ở trường quốc tế học phí nghìn tỷ
Giống như chị Mai, tháng 1/2021, chị Hải (quận 7) và trường Quốc tế Mỹ ký hợp đồng cho trường Quốc tế Mỹ vay 360.000 USD (tương đương 9 tỷ đồng) không tính lãi suất. Đổi lại hai con chị Hải (hiện 1 bé đang học lớp 3, 1 bé học lớp 4) sẽ học tại trường Quốc tế Mỹ đến hết lớp 12 với học phí 0 đồng.
Khi hai con hết chương trình đào tạo, trường Quốc tế Mỹ có trách nhiệm hoàn lại số tiền này cho chị Hải. Thế nhưng số tiền vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Việc âm ỉ cho đến cuối tháng 3 năm nay khi hơn 1.200 học sinh trường Quốc tế Mỹ - trong đó có 2 con chị Hải phải nghỉ học vì trường cạn tiền, không thể trả lương, bảo hiểm cho giáo viên khiến họ nghỉ dạy.
“Ngay lúc này tôi lo lắng vì nếu cứ đóng tiền cứ sẽ phải đóng nữa và đóng mãi. Nếu phụ huynh không đóng, chắc chắn nhà trường sẽ không tồn tại. Tôi lo lắng rằng khi hết năm học này (tháng 6/2024) vào năm học mới sẽ như thế nào. Con tôi hiện mới chỉ học lớp 3 và 4, có nghĩa thời gian học còn dài, trong khi đó, tôi đã làm tròn trách nhiệm tài chính về học tập cho con bằng cách cho trường vay 360.000 USD với lãi suất 0 đồng”, chị Hải nói.
Theo chị Hải vì con đã theo học chương trình IB, hiện cũng không thể chuyển con sang trường công lập vì chương trình không khớp, trong khi đấy chuyển sang trường khác, tài chính là gánh nặng. “Mấy hôm nay tôi mất ăn mất ngủ, mệt mỏi vì con bị thất học. Tôi thật sự tuyệt vọng nên phải viết đơn kêu cứu”, chị Hải cho hay.
'Con tôi học hết 5 năm tiểu học với mức học phí 0 đồng'
Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh cho rằng với dạng hợp đồng này, nếu trường thực hiện đúng như cam kết, cả nhà trường và phụ huynh sẽ đều có lợi.
Cuối năm 2023, chị Mai Hương (Cầu Giấy) cho con gái chuẩn bị vào lớp 1 đi tham gia trải nghiệm một trường quốc tế ở Hà Nội. Tại đây, chị được nhà trường tư vấn về chương trình, thông báo học phí và đưa ra các khoản đóng góp cụ thể.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng thông tin về việc “kêu gọi góp vốn” từ phía phụ huynh. Nếu tham gia ký kết, phụ huynh sẽ phải đóng trước khoản học phí 790 triệu đồng cho 5 năm tiểu học. Bù lại, hàng năm phụ huynh sẽ nhận về lãi suất và được hoàn trả 100% học phí sau khi con tốt nghiệp.
“Như vậy, nếu tham gia ký kết hợp đồng này, phụ huynh chỉ cần nộp tiền ăn, học liệu, phí di chuyển cùng các khoản phí khác. Lãi suất trường trả sau mỗi năm cũng có thể bù một phần vào khoản này; con cũng học hết 5 năm tiểu học với mức học phí bằng 0”.
Phụ huynh này cho rằng, việc đóng trước vài năm cũng có nhiều lợi thế khác như mang tính ổn định đường dài về học phí. “Nếu áp mức tăng thường niên sẽ làm học phí đóng lẻ từng năm cao hơn. Ngoài việc được hưởng ưu đãi, phụ huynh cũng không bị ảnh hưởng bởi chính sách tăng học phí theo năm so với đóng lẻ”, phụ huynh này nói.
Vay tiền từ phụ huynh là hình thức giúp nhiều trường tư thục huy động vốn. Về hình thức này, luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật Inteco, cho biết, các cơ sở giáo dục tư thục mang bản chất kinh doanh, hoạt động như một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục.
Trong khi nhà trường có lợi thế rất lớn của cơ sở giáo dục là sự uy tín, tín nhiệm và có thể huy động vốn từ phụ huynh mà không cần tới tài sản thế chấp. Do đó, việc nhà trường thu học phí từ phụ huynh cho nhiều kỳ là một hình thức huy động vốn, nhưng không vi phạm pháp luật vì dựa trên sự thống nhất, tự nguyện thỏa thuận.
Tuy nhiên theo luật sư Phong, trước khi “xuống tiền”, phụ huynh cũng cần xem xét kỹ các thông tin nhà trường và phụ huynh đã ký kết trong hợp đồng. “Điểm quan trọng là cần xem xét tới mục đích sử dụng vốn ghi trong hợp đồng.
Nếu nhà trường không sử dụng vốn đúng mục đích đã cam kết, dẫn tới việc mất vốn, không có khả năng hoàn trả phụ huynh, có thể coi đó là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và bị xem xét trách nhiệm hình sự”, ông Phong nói.
*Tên phụ huynh trong bài viết đã được thay đổi
Sự thật mô hình huy động vốn từ phụ huynh ở trường quốc tế học phí nghìn tỷ