Xã hội

Để di sản trở thành tài sản

Thiên Tú 16/08/2024 - 06:48

Bộ VHTT&DL vừa có quyết định công nhận 17 di sản văn hóa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có “Tri thức dân gian phở Hà Nội”, “Tri thức dân gian phở Nam Định”, “Nghề ướp trà sen Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội”…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Đây là niềm vui với cộng đồng sở hữu, thực hành di sản, song làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị di sản mới là câu chuyện đáng quan tâm.

Từ năm 2001, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được luật hóa trong Luật Di sản văn hóa và Nghị định 98/2010/NĐ-CP. Để được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản đó phải có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ. Đồng thời có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài, được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử, cam kết bảo vệ.

Ngay khi Bộ VHTT&DL có quyết định công nhận 17 di sản văn hóa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã có những ý kiến cho rằng có cần thiết phải công nhận theo cách này không? Khi mà di sản tràn ngập thì có còn quý giá nữa không?

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận và hiểu đúng về di sản văn hóa. Như quan điểm của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO), việc ghi danh các di sản với mục đích chính là bảo vệ di sản, nâng cao tính phổ biến và nhận thức về tầm quan trọng của di sản.

Nói như PGS.TS Nguyễn Thị Hiền (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc ghi danh không khiến cho một di sản “cao quý” hơn những di sản chưa được ghi danh. Phải hiểu đúng, để không tạo ra sự thất vọng với cộng đồng không được ghi danh, cũng như không có sự hiểu sai, tự hào thái quá tại nơi được ghi danh.

Thực tế, những năm qua, di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế, nhất là phát triển công nghiệp văn hóa. Di sản được bảo tồn, du lịch phát triển đã tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.

Chẳng hạn như khu phố cổ Hội An sau khi được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa thế giới đã trở thành thương hiệu du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế (năm 2023 đón khoảng 1,7 triệu khách, thu từ vé tham quan khoảng hơn 194 tỷ đồng)…

Theo thống kê mới nhất từ Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), hiện cả nước có hơn 40.000 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, 3.621 di tích quốc gia; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 571 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh…

Mặc dù vậy, không phải di sản văn hóa nào sau khi được công nhận, ghi danh cũng tỏa sáng. Thực tế có những di sản văn hóa chưa được quan tâm và phát triển tương xứng, chưa thật sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực của sự phát triển bền vững; nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn, nhất là các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số…

Di sản văn hóa có vị trí quan trọng hàng đầu với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngay từ Sắc lệnh số 65/SL - sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về bảo tồn di sản văn hóa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945 đã khẳng định “Bảo tồn cổ tích là công việc rất quan trọng và cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”.

Do đó, câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị di sản sau khi được ghi danh mới là bài toán quan trọng đối với các địa phương, cộng đồng sở hữu, thực hành di sản; tránh bỏ ngỏ hay khai thác quá đà, để di sản thực sự là tài sản của cộng đồng và gia tăng “nguồn lực mềm” phát triển kinh tế - xã hội.

>> Việt Nam công bố thêm 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

‘Thủ phủ di sản’ Việt Nam sẽ đổi tên và mở rộng diện tích thành phố gần 20 năm tuổi lên gấp 3 lần

Cháo lươn Nghệ An được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thông tin sai sự thật

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/de-di-san-tro-thanh-tai-san.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Để di sản trở thành tài sản
POWERED BY ONECMS & INTECH