Nhà khoa học lo ngại sự cố từng gây ‘hoảng loạn trên toàn cầu’ có thể lặp lại
Mối lo ngại của các nhà khoa học xuất phát từ hiện tượng Trái Đất đang quay nhanh hơn bình thường.
Theo CNN, ngày 10/7 được ghi nhận là ngày ngắn nhất từ đầu năm đến nay, khi thời gian quay của Trái Đất kết thúc sớm hơn 1,36 mili giây so với mốc 24 giờ chuẩn, theo dữ liệu từ Dịch vụ Hệ thống Tham chiếu và Vòng quay Trái đất Quốc tế cùng Đài quan sát Hải quân Mỹ, được tổng hợp bởi trang timeanddate.com. Hai ngày khác được cho rằng ngắn hơn bình thường là ngày 22/7 và 5/8, với thời gian rút ngắn lần lượt là 1,34 và 1,25 mili giây.
Thông thường, một ngày được định nghĩa là khoảng thời gian Trái Đất hoàn tất một vòng quay quanh trục của mình, kéo dài trung bình 24 giờ hay 86.400 giây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chu kỳ này không hoàn toàn đều đặn, bởi chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như lực hút của Mặt Trăng, sự thay đổi thời tiết theo mùa và chuyển động trong lõi lỏng của hành tinh. Những yếu tố này khiến mỗi vòng quay có thể dài hoặc ngắn hơn tiêu chuẩn chỉ vài mili giây – mức chênh lệch tuy nhỏ nhưng về lâu dài có thể ảnh hưởng đến các hệ thống máy tính, vệ tinh và truyền thông viễn thông, lý do khiến từng biến động dù rất nhỏ vẫn được giám sát chặt chẽ bằng đồng hồ nguyên tử.

Tốc độ quay của Trái Đất bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nhưng Mặt Trăng và thủy triều theo truyền thống đóng vai trò chính
Đồng hồ nguyên tử ra đời từ năm 1955, sử dụng dao động của các nguyên tử trong điều kiện chân không để tính thời gian với độ chính xác cực cao. Hệ thống này hình thành nên UTC – Giờ Phối hợp Quốc tế, được thiết lập dựa trên khoảng 450 đồng hồ nguyên tử và là tiêu chuẩn chung cho tất cả thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính trên toàn cầu. Cùng lúc, các nhà thiên văn học vẫn tiếp tục theo dõi sự tự quay của Trái Đất thông qua các phương pháp như định vị vị trí hành tinh so với các ngôi sao cố định để phát hiện sự chênh lệch giữa thời gian nguyên tử và thời gian quay thực tế. Vào ngày 5/7/2024, Trái Đất đã trải qua ngày ngắn nhất từng được ghi nhận kể từ khi đồng hồ nguyên tử ra đời, khi vòng quay chỉ kéo dài ít hơn 1,66 mili giây so với chuẩn 24 giờ.
"Chúng ta đã có xu hướng ngày trôi nhanh hơn một chút kể từ năm 1972", Duncan Agnew, Giáo sư danh dự ngành địa vật lý tại Viện Hải dương học Scripps, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Diego, chia sẻ. "Nhưng vẫn có những biến động. Nó thực sự giống như việc theo dõi thị trường chứng khoán vậy. Có những xu hướng dài hạn, rồi cũng có những đỉnh cao và sụp đổ".
Năm 1972, sau một thời gian dài Trái Đất quay chậm hơn, sự sai lệch giữa thời gian thực tế và thời gian chuẩn đã tích tụ đến mức Dịch vụ Hệ thống Tham chiếu và Quay Trái Đất Quốc tế phải quyết định bổ sung “giây nhuận” vào UTC – cơ chế tương tự như việc thêm một ngày vào tháng Hai trong năm nhuận nhằm điều chỉnh sự chênh lệch giữa lịch và chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời. Tính đến nay, đã có 27 giây nhuận được thêm vào, tuy nhiên tốc độ bổ sung đã giảm dần bởi Trái Đất đang quay nhanh hơn; chỉ riêng thập niên 1970 đã có 9 giây nhuận được cộng thêm, trong khi từ năm 2016 đến nay chưa cần bổ sung giây nào.

Vào năm 2022, Hội nghị Tổng quát về Cân đo đã bỏ phiếu thông qua việc loại bỏ giây nhuận kể từ năm 2035, đồng nghĩa với việc có thể sẽ không còn giây nhuận nào được thêm vào hệ thống đo thời gian. Tuy nhiên, nếu tốc độ quay của Trái Đất tiếp tục gia tăng trong vài năm tới, ông Agnew cho rằng rất có thể một giây sẽ cần phải bị loại bỏ khỏi UTC. “Chưa bao giờ có giây nhuận âm”, ông cho biết, “nhưng khả năng có một giây nhuận như vậy từ nay đến năm 2035 là khoảng 40%.”
Giây nhuận âm là điều chưa từng có tiền lệ và khiến giới khoa học cùng chuyên gia công nghệ lo ngại vì có thể gây ra gián đoạn nghiêm trọng cho các hệ thống kỹ thuật, tương tự sự cố "Y2K" từng gây hoảng loạn trên toàn cầu vào năm 2000. Thậm chí, ngay cả với giây nhuận dương – đã được áp dụng trong hơn nửa thế kỷ – nhiều hệ thống vẫn mắc lỗi trong quá trình thực hiện. "Với giây nhuận âm, rủi ro còn lớn hơn nhiều, vì chúng ta chưa bao giờ thực hiện nó", nhà khoa học cảnh báo.