Việt Nam đón đoàn UNESCO thẩm định bãi cọc phát lộ sau gần nghìn năm vùi dưới bùn, tiếp tục xét duyệt danh hiệu Di sản văn hóa của nhân loại
Đây là khu di tích cuối cùng trong chương trình thẩm định thực địa của chuyên gia UNESCO tại tỉnh.
Ngày 10/8, các chuyên gia từ Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS) thuộc UNESCO đã tiến hành thẩm định thực địa tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một bước quan trọng trong quá trình xét duyệt Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc để trở thành Di sản Văn hóa Thế giới.
Tại buổi thẩm định, các chuyên gia ICOMOS đã được chính quyền địa phương và các nhà khoa học hàng đầu trong nước cung cấp thông tin chi tiết về nhiều vấn đề quan trọng. Đặc biệt, họ làm rõ mối liên kết giữa bãi cọc Bạch Đằng với các di tích khác trong hồ sơ đề cử, tính xác thực và hiện trạng bảo tồn của di tích, cũng như quy chế và kế hoạch quản lý di sản.
Theo hồ sơ đề cử, bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, và Đồng Má Ngựa thuộc Khu di tích lịch sử Bạch Đằng không chỉ thể hiện tư tưởng của nhà Trần và tinh thần Phật giáo trong đời sống Đại Việt, mà còn là biểu tượng của nghệ thuật quân sự và sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp nhà Trần xây dựng một Đại Việt độc lập, hòa bình và hài hòa với thiên nhiên.
Sau khi hoàn thành thẩm định tại Quảng Ninh, từ ngày 12 đến 14/8, các chuyên gia ICOMOS sẽ tiếp tục công việc tại các di tích ở Hải Dương và Bắc Giang.
Việc thẩm định thực địa này là một trong những bước thủ tục quan trọng để UNESCO xem xét, đánh giá Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tại ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, và Bắc Giang cho danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới trong Kỳ họp lần thứ 47, dự kiến diễn ra vào năm 2025.
Theo VnExpress, trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã 3 lần chứng kiến chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trước quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông.
Năm 938, Ngô Quyền đã đóng cọc gỗ trên sông, nhử quân Nam Hán vào bẫy rồi tiêu diệt toàn bộ chiến thuyền của địch, mở ra kỷ nguyên độc lập cho Đại Việt. Năm 981, Lê Hoàn tiếp tục sử dụng chiến thuật này để đẩy lùi quân Tống, bảo vệ nền độc lập của đất nước.
Đặc biệt, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đã khẳng định sức mạnh bất diệt của quân dân Đại Việt, đánh bại đế quốc Nguyên - Mông. Từ đó, sông Bạch Đằng và bãi cọc đã trở thành biểu tượng lịch sử của Việt Nam trong việc chống giặc ngoại xâm.
Trải qua hơn 700 năm, bãi cọc Bạch Đằng bị lấp sâu dưới lớp bùn đất. Đến năm 1953, khi nhân dân đào đất đắp đê, họ đã phát hiện ra những cây cọc này. Ban đầu, do thiếu kiến thức và ý thức bảo vệ di sản, nhiều cọc đã bị nhổ lên sử dụng cho mục đích khác.