Đây là nội dung được ông Phan Đình Trạc - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) nêu tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP. HCM, diễn ra vào chiều 14/4/2022.
Buổi làm việc bàn về kết quả, tiến độ, khó khăn, vướng mắc trong xác minh các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xảy ra trên địa bàn TP. HCM; kết quả xử lý các vụ việc sai phạm xảy ra tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và một số vụ án, vụ việc khác nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Theo báo cáo của TP. HCM, địa phương này đã hoàn thành 34 nội dung theo kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm; đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 1 vụ/20 bị cáo, đang xây dựng cáo trạng truy tố 1 vụ, đang điều tra 3 vụ, đang xác minh 7 vụ việc.
Tuy nhiên, vẫn còn 5 nội dung kiến nghị tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn chậm do có khó khăn, vướng mắc lớn đang chờ chỉ đạo tháo gỡ của Trung ương. Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án, vụ việc còn chậm.
Sau khi nghe báo cáo, Trưởng ban Nội chính Trung ương đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Theo đó, đối với các sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trên cơ sở kiến nghị của Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM; thực hiện kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng cùng ý kiến của các cơ quan chức năng, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thống nhất, tham mưu Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp thành phố xử lý dứt điểm 5 vụ việc còn lại theo quy định.
Về các vụ việc có dấu hiệu sai phạm cụ thể tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ đã chuyển đến Cơ quan điều tra Bộ Công an, ông Phan Đình Trạc đề nghị Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý cần xem xét phù hợp với điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đúng quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm và tại thời điểm hiện nay; đánh giá đúng động cơ, mục đích của sai phạm và hậu quả thiệt hại thực tế để xử lý khách quan, toàn diện, công tâm, đúng với bối cảnh, hoàn cảnh xảy ra sai phạm.