Không phải Mỹ Khê, Nha Trang, Phú Quốc, đây mới là bãi biển duy nhất Việt Nam được vinh danh hàng đầu Đông Nam Á
Nơi đây từ lâu đã được biết đến là biểu tượng du lịch biển miền Trung với biệt danh “thủ phủ resort”.
Từ làng chài ven biển đến "thiên đường thể thao biển" hàng đầu Đông Nam Á
Tạp chí National Geographic Traveller mới đây đã gọi tên Mũi Né là một trong những điểm đến thể thao biển nổi bật nhất Đông Nam Á. Từ một làng chài nghèo bên triền cát đỏ hoang vu, Mũi Né đã vươn mình thành điểm du lịch quốc gia nổi bật, nổi danh với bờ biển trải dài, địa hình độc đáo và hệ sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.
Theo vị trí hành chính cũ, Mũi Né thuộc TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; sau sáp nhập được chuyển về tỉnh Lâm Đồng. Cách trung tâm Phan Thiết khoảng 22km về phía Đông Bắc, nơi đây từ lâu đã được biết đến là biểu tượng du lịch biển miền Trung với biệt danh “thủ phủ resort”. Dọc theo bờ biển dài hơn 8km, hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp mọc lên, tạo nên một dải thiên đường nghỉ dưỡng liền mạch.

Mũi Né nổi bật nhờ địa hình giao thoa giữa đại dương và sa mạc – một bên là biển xanh mênh mông, một bên là những đồi cát đỏ, cát vàng trải dài bất tận. Chạy dọc đường Huỳnh Thúc Kháng, du khách dễ dàng cảm nhận khung cảnh đối lập: một bên sóng vỗ rì rào, một bên cát uốn lượn mềm mại, đổi màu theo ánh nắng. Cảnh quan độc đáo này vừa là bối cảnh hoàn hảo cho các bộ ảnh nghệ thuật, vừa là nơi lý tưởng để trải nghiệm các hoạt động như trượt cát, lái xe địa hình. Không ít người ví Mũi Né là “Dubai thu nhỏ” của Việt Nam.
Theo người dân địa phương, tên gọi “Mũi Né” xuất phát từ việc ngư dân xưa thường đưa thuyền tránh bão vào mũi đất này. Cho đến năm 1995, nơi đây vẫn chỉ là một vùng biển hoang sơ với vài xóm chài nghèo. Bước ngoặt đến vào ngày 24/10/1995 khi Mũi Né trở thành địa điểm quan sát nhật thực toàn phần lý tưởng nhất tại Việt Nam, thu hút đông đảo du khách và mở ra cơ hội phát triển du lịch.
> > Việt Nam sắp có khu du lịch hơn 5.000ha, tọa lạc tại khu vực núi lửa triệu năm tuổi
Gió – cát – biển và cuộc chuyển mình của một vùng đất
Sự phát triển nhanh chóng trong vài thập kỷ qua đã biến Mũi Né thành “thủ phủ thể thao biển” với khoảng 260 ngày gió mạnh mỗi năm. Hai mùa gió rõ rệt – gió mùa Tây Nam từ tháng 6 đến 9 và gió mùa Đông Bắc những tháng còn lại – mang lại điều kiện lý tưởng cho các môn như lướt ván buồm, lướt ván diều, lướt sóng và chèo thuyền. Những cơn gió từng khiến ngư dân e ngại giờ lại là “thỏi nam châm” hút khách quốc tế đến trải nghiệm.
Đi cùng với đó là sự phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Theo Batdongsan.com.vn, giá đất ven biển Mũi Né dao động từ 30–70 triệu đồng/m2, tùy vào vị trí, diện tích và tiện ích. Các dự án như Novahills Mũi Né và Centara Mirage Mũi Né có giá bán từ 24,8–53,38 triệu đồng/m2. Một loạt tên tuổi nổi bật trong ngành du lịch nghỉ dưỡng đã hiện diện tại đây như Sea Links City, Anantara, The Cliff Resort, Victoria Phan Thiết, The Anam Mũi Né, Apec Mandala Wyndham…

Báo Dân Việt thông tin, theo Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, diện tích Khu du lịch quốc gia Mũi Né là hơn 14.700ha, kéo dài từ Phan Thiết đến tận thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cũ). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu du lịch quốc gia Mũi Né tại Quyết định số 2354/QĐ ngày 24/8/2020.
Ngoài sở hữu bãi biển đẹp, trên địa bàn phường Mũi Né còn có Cảng hàng không Phan Thiết (sân bay Phan Thiết) được Bộ Giao thông Vận tải (cũ) quy hoạch năm 2013 với diện tích 543ha. Dự án đang được tái khởi động lại và đây sẽ là sân bay thứ 2 của tỉnh Lâm Đồng sau sân bay Liên Khương.
Theo thiết kế, sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng cấp 4E với một đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm, dùng chung cho cả hoạt động bay dân dụng phục vụ phát triển kinh tế và cùng đó là nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vùng trời, vùng biển phía Nam của Tổ quốc.
> > 'Đà Lạt thứ 2' của Tây Nguyên sẽ trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của cả nước
Việt Nam có duy nhất một địa điểm lọt top điểm đến đáng mơ ước thế giới
‘Đà Lạt thứ 2’ tồn tại la liệt biệt thự bỏ hoang: Lãng phí, làm xấu hình ảnh du lịch địa phương