Dự án xây dựng cây cầu dây văng 11.000 tỷ lớn nhất thành phố giàu nhất Việt Nam đón tin vui
Cây cầu này dự kiến dài 7,3km, thiết kế theo dạng dây văng quy mô 6 làn xe, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Báo Lao Động thông tin, dự án cầu Cần Giờ – công trình được kỳ vọng thay đổi diện mạo giao thông khu Nam TP. HCM – vẫn chưa thể trình phê duyệt chủ trương đầu tư dù đã được lên kế hoạch khởi công vào dịp 30/4/2025, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP. HCM (trước đây là Sở Giao thông vận tải), từ tháng 12/2023, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã được gửi đến Hội đồng thẩm định thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn "giậm chân tại chỗ" vì chưa được cập nhật vào các quy hoạch chính thức của thành phố.
> > Cầu dây văng 11.000 tỷ sẽ lập kỷ lục mới của TP. HCM khó lòng khởi công đúng dịp đặc biệt

Cụ thể, cầu Cần Giờ không được thể hiện trong các đồ án quy hoạch quan trọng như: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. HCM đến năm 2025 (phê duyệt năm 2010) và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 (phê duyệt năm 2013). Mãi đến ngày 9/5/2017, Thủ tướng Chính phủ mới chấp thuận bổ sung cầu Cần Giờ vào quy hoạch phát triển giao thông của thành phố, đồng thời giao UBND TP. HCM cập nhật vào các quy hoạch liên quan. Tuy nhiên, công việc cập nhật này đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Ngoài ra, cây cầu cũng không xuất hiện trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Cần Giờ (trước đây) cũng như các đồ án quy hoạch phân khu của huyện Nhà Bè cũ – khiến việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý càng trở nên chậm trễ.
Hiện tại, TP. HCM đang triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn 2060 – vừa được Thủ tướng phê duyệt. UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch phân khu 1/2.000 và các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật – giao thông nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư dự án cầu Cần Giờ.
Nếu đúng tiến độ, trong năm 2025, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ được hoàn chỉnh và trình HĐND TP. HCM phê duyệt chủ trương đầu tư.

Cầu Cần Giờ dự kiến dài 7,3km, thiết kế theo dạng dây văng quy mô 6 làn xe, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Vận tốc thiết kế đạt 60km/h, nhịp chính dài 350m bắc qua sông Soài Rạp, hai trụ cầu cao gần 100m – hứa hẹn tạo nên một biểu tượng kiến trúc mới cho thành phố. Tổng vốn đầu tư cho dự án vào khoảng 11.000 tỷ đồng.
Khi đi vào hoạt động, cầu sẽ thay thế phà Bình Khánh – vốn đang quá tải – kết nối trực tiếp Cần Giờ với trung tâm TP. HCM. Đồng thời, cầu sẽ vượt qua cầu Phú Mỹ và cầu Bình Khánh để trở thành cây cầu dây văng có quy mô lớn nhất tại TP. HCM, đánh dấu bước tiến mới trong hạ tầng giao thông đô thị.
Không chỉ góp phần tháo gỡ nút thắt giao thông, cầu Cần Giờ còn mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho hai dự án trọng điểm tại khu vực: Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ rộng 2.870ha (dự kiến đón gần 9 triệu lượt khách mỗi năm) và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – siêu cảng chiến lược trong định hướng phát triển logistics của TP. HCM.
Cầu Cần Giờ, khi hoàn thành, sẽ không chỉ là một tuyến giao thông quan trọng mà còn là biểu tượng mới trong phát triển đô thị, khẳng định tầm vóc của TP. HCM trong hành trình vươn ra biển lớn.
TP. HCM mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập ba địa phương gồm TP. HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. TP. HCM mới có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu.
TP. HCM là thành phố giàu nhất Việt Nam nhờ vai trò trung tâm kinh tế, tài chính và thương mại hàng đầu cả nước. Đặc biệt, sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, vai trò “đầu tàu kinh tế” của thành phố tiếp tục được củng cố khi quy mô kinh tế của TP. HCM mới chiếm khoảng 1/4 GDP của cả nước.
> > Hé lộ vị trí xây dựng cây cầu dây văng hơn 11.000 tỷ lớn nhất thành phố giàu nhất Việt Nam