Để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, không tăng bất thường, không giảm bất ngờ

09-06-2022 11:56|Hiền Trang

Gần đây, có doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao tới 13%/năm; có doanh nghiệp vốn 153 tỷ đồng nhưng phát hành tới 7.200 tỷ đồng; lại có công ty phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu nhưng vốn chủ chỉ vỏn vẹn 27 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về rủi ro của các đợt phát hành trái phiếu "3 không” (không xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản đảm bảo và không có bảo lãnh phát hành); nếu đợt phát hành có đơn vị thứ 3 bảo lãnh (chẳng hạn như ngân hàng) và có tài sản đảm bảo thì sẽ tạo ra sự an toàn cho người mua trái phiếu.

Tuy nhiên, Th.s Nguyễn Anh Vũ, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM cho rằng, tài sản đảm bảo cũng không phải là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp, mà chủ yếu là phải nắm được dòng tiền và năng lực tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Vì thế, trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản phát hành trong thời gian qua không chỉ có “3 không”, mà còn có cả “5 không”, “6 không”.

Ngoài “3 không” ở trên, thì còn một số “không” khác như: doanh nghiệp không có năng lực tài chính, không có dòng tiền minh bạch và không sử dụng hiệu quả dòng tiền thu về.

ĐBQH dẫn nhiều thực trạng

Chiều 8/6/2022, phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội tiếp tục diễn ra với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) nêu vấn đề: Bộ trưởng nói là theo mục tiêu chiến lược đến năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, quy mô trái phiếu tương đương 18,2% GDP (khoảng 51 tỷ USD). So với năm 2018, quy mô năm 2021 tăng gấp 3 lần, phải chăng thời gian qua chúng ta buông lỏng cảnh báo của Bộ Tài chính?

truong-trong-nghia.jpeg
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tại nghị trường ngày 8/6

Bộ Tài chính vừa qua cũng đi thanh tra và thấy rằng, trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp thua lỗ, 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10.

Đáng nói, 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất năm qua đã phát hành lượng trái phiếu có giá trị gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu.

"Có doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao lên tới 13%/năm, có doanh nghiệp vốn sở hữu là 153 tỷ đồng nhưng phát hành tới 7.200 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu là 47 lần. Có công ty phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu nhưng vốn chủ sở hữu chỉ có 27 tỷ đồng, tỷ lệ là 28 lần", ông Nghĩa thông tin.

Theo vị đại biểu này, có 2 công việc phải làm: Thứ nhất và quan trọng nhất là có giải pháp quản lý sao cho 51 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp tồn đọng không phát sinh hậu quả tiêu cực như khủng hoảng nhà đất của nhiều năm trước đây. Điều này liên quan đến ngành ngân hàng. Thứ hai là giải pháp, kiểm soát làm sao cho 51 tỷ USD tồn đọng không thành vấn đề mới là quan trọng.

Trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đối với trái phiếu doanh nghiệp thì theo số liệu do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo dõi tương đương 15% GDP.

“Vấn đề là từ trước đến nay, doanh nghiệp có trả được nợ trái phiếu không? Trừ trường hợp Tân Hoàng Minh hiện nay vẫn chưa trả được nợ, còn lại các doanh nghiệp khác khi đến hạn đều trả được nợ. Như vậy, dòng trái phiếu doanh nghiệp vẫn trung chuyển bình thường”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Bộ trưởng cho biết, để khắc phục tình trạng này, hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe,...

Cần nhìn nhận đúng về trái phiếu doanh nghiệp

Dẫn số liệu tỷ lệ đóng góp khoảng 22% vào tổng lượng cung vốn toàn nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được nhìn nhận là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, nhất là cho doanh nghiệp.

Theo TS. Lực, vai trò của ngân hàng chỉ là cung ứng vốn ngắn hạn bởi bản chất của ngân hàng là huy động vốn của người dân để cho vay, trong đó chủ yếu là vốn ngắn hạn. Tuy vậy, trong tổng số 1,4 - 1,5 triệu tỷ đồng tín dụng cung ứng mỗi năm, có tới 45% trong đó là vốn trung, dài hạn.

Nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn, ước tính giai đoạn 2022 - 2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng mỗi năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi vốn Nhà nước chỉ chiếm 25 - 26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài, từ đó cho thấy vai trò quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển cũng góp phần phát triển lành mạnh, cân đối hơn hệ thống tài chính. Ngoài ra, thị trường này phát triển sẽ giúp đa dạng hoá kênh đầu tư, đa dạng hoá sản phẩm tài chính, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và doanh nghiệp hay tổ chức khác, hạn chế tình trạng vàng hoá, USD hóa nền kinh tế.

“Làm thế nào để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh là vấn đề cần được quan tâm, thúc đẩy. Nói cách khác là chúng ta kiến tạo thị trường, song phải kiểm soát rủi ro”, ông Lực nhấn mạnh.

TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nêu quan điểm, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020 về trái phiếu doanh nghiệp đang thu hút sự quan tâm của dư luận sau những sự vụ “nóng” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua. Điều này cho thấy việc hoàn thiện chính sách là hết sức cần thiết.

Thực tế, để có một thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, các nước trên thế giới cũng phải trải qua nhiều quá trình điều chỉnh quy định pháp luật.

Khuyến nghị được đưa ra từ TS. Lê Đạt Chí, cần có sự chấn chỉnh trong việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp bất động sản. Bởi thực tế cho thấy, lượng trái phiếu các doanh nghiệp ngành này phát hành trong thời gian qua chiếm tới 60% tổng lượng trái phiếu phát hành toàn thị trường, trong khi đó, chỉ có khoảng 5 - 6 doanh nghiệp bất động sản có năng lực mạnh.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là trong đại dịch COVID-19, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Do đó, lượng vốn tín dụng của ngân hàng tăng trưởng cũng được xem là một trong những giải pháp đẩy mạnh vốn ra thị trường. Thế nhưng, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành có đến 70% người mua là các ngân hàng thương mại. Điều này sẽ khó tránh rủi ro.

Theo TS. Lê Đạt Chí, trước mắt, cần quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm trong khoảng thời gian ngắn, đi cùng với các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm đồng thời, cần chú trọng phát triển thị trường chứng khoán chưa chính thức (OTC), quy định điều kiện bán chứng khoán lần đầu và quy định về mua đi bán lại của các doanh nghiệp niêm yết. Đây là những điều kiện quan trọng để tạo ra dòng chảy vốn tốt hơn. Chính việc mua đi bán lại trái phiếu sẽ tạo thuận lợi cho các thành phần tham gia cũng như cơ quan giám sát.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Sẽ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về hiện tượng sai phạm trong kiểm toán độc lập

Nghịch lý giá vé máy bay, giá điện càng tăng, doanh nghiệp càng lỗ?

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-thi-truong-trai-phieu-phat-trien-lanh-manh-khong-tang-bat-thuong-khong-giam-bat-ngo-130036.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, không tăng bất thường, không giảm bất ngờ
POWERED BY ONECMS & INTECH