Để tiết kiệm điện trở thành thói quen

21-05-2023 07:07|Phan Trang

Với những thách thức đặt ra trong bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng, sử dụng điện tiết kiệm điện được coi là một giải pháp mạnh mẽ cần được đẩy mạnh truyền thông hơn nữa, đặc biệt là với các khách hàng sử dụng điện.

Chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả: Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng” do Tạp chí Công thương tổ chức ngày 20/5, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, ngay từ đầu mùa khô 2023, Bộ Công Thương đã có chương trình hành động rất mạnh mẽ để thúc đẩy tiết kiệm điện. Đặc biệt, ngành điện và các địa phương tổ chức kiểm tra việc sử dụng điện tiết kiệm tại nhiều sở, ban, ngành, doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng…

Bộ Công Thương đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện cho giai đoạn từ nay đến năm 2025 với những biện pháp triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra các cơ sở sử dụng năng lượng, các cơ quan quản lý Nhà nước, thúc đẩy việc chuyển dịch sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng.

"Chính phủ, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo sát sao đối với ngành điện nhằm tập trung triển khai các giải pháp để bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt là kêu gọi người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Một trong những giải pháp Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo là thực hiện ngay việc phát động phong trào tiết kiệm điện trong toàn ngành, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và khách hàng sử dụng điện lớn cùng chung tay tiết kiệm điện", ông Trịnh Quốc Vũ thông tin.

Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm 1,7-2,2% tổng năng lượng tiêu thụ

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2022, Hà Nội có mức tiêu thụ năng lượng đứng đầu toàn quốc. Cùng với đó, vấn đề cân đối nguồn điện, sử dụng năng lượng và sử dụng điện địa bàn ngoài Hà Nội và khu vực phía bắc nói chung khá phức tạp.

Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm 1,7-2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên địa bàn; 65% doanh nghiệp phụ tải trọng điểm có cam kết sử dụng tiết giảm theo biểu đồ mà ngành điện đã xây dựng; 75% doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp... chuyển đổi sang công nghệ mới sử dụng năng lượng ít hơn; xây dựng 55 cơ sở sử dụng năng lượng xanh; tổ chức khoảng 1.000 lớp tập huấn đến tận phường và tổ dân phố để tuyên truyền, vận động trực tiếp tới người sử dụng điện tiết kiệm...

Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu thành phố ban hành các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, giao cho các cơ quan, ban, ngành của thành phố. Tiêu biểu như Hà Nội đã tổ chức chương trình cao điểm Hè đối với tất cả các đơn vị phân phối điện và các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm với cam kết giảm bớt sử dụng điện vào giờ cao điểm.

“Chúng tôi xây dựng sổ tay, hướng dẫn đến nhiều cơ quan, đơn vị, toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng giao cho các đơn vị trực thuộc xây dựng chương trình tập huấn trực tiếp tại 30 quận, huyện, thị xã về mô hình, cách sử dụng năng lượng, sử dụng điện tiết kiệm”, ông Thắng cho biết thêm.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho rằng cần có cơ chế cùng đồng hành với doanh nghiệp để hỗ trợ chuyển đổi dần các công nghệ cũ, lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng.

Để tiết kiệm điện trở thành thói quen

Nói thêm về những giải pháp đang được Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thực hiện, ông Trịnh Quốc Vũ thông tin: Một trong những công tác trọng tâm, ưu tiên trong giai đoạn ngắn hạn là việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sử dụng năng lượng, đặc biệt là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và đối với các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương để quán triệt về tinh thần tiết kiệm điện, các chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, của Đảng và Nhà nước về tăng cường tiết kiệm điện, giảm lãng phí, giảm phát thải khí nhà kính.

"Chúng tôi cũng đang triển khai và phối hợp với các địa phương các hoạt động về tuyên truyền, truyền thông về tiết kiệm điện thông qua các chương trình truyền thông, các chiến dịch như Giờ Trái đất, tổ chức các cuộc thi về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng... 

Với các chương trình như vậy, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp và những thông tin về các công nghệ mới tiên tiến nhất tới người tiêu dùng để làm sao thúc đẩy việc chuyển dịch thị trường từ các thiết bị có hiệu suất thấp lên thiết bị có hiệu suất cao hơn, tiết kiệm năng lượng hơn", ông Vũ nói.

Nguy cơ thiếu điện toàn miền Bắc

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, dung tích các hồ thủy điện trên cả nước đang thiếu hụt so với quy chuẩn tích nước mùa cạn, thậm chí có nơi xuống mực nước chết. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn sẽ diễn ra nghiêm trọng. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung Bộ được dự báo thấp hơn từ 15 - 35%, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 15 - 40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm.

EVN cũng đã có cảnh báo về tình hình nguy cấp về cung ứng điện năm 2023, trong đó có nêu trường hợp các tình huống cực đoan, những ngày nắng nóng kéo dài, mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu... thì hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng rất khó khăn về cung cấp điện.

Cùng các nỗ lực tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định, việc tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp nhằm giảm áp lực trong việc cung ứng và vận hành hiệu quả hệ thống điện.

Lạm phát tại Ukraine tăng mạnh

Giá điện hiện nay: Nguy cơ lợi nhuận của Nhà nước thành của doanh nghiệp

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/de-tiet-kiem-dien-tro-thanh-thoi-quen-102230520194445103.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Để tiết kiệm điện trở thành thói quen
    POWERED BY ONECMS & INTECH