Đề xuất 15 tuổi được điều khiển xe gắn máy
Một số ý kiến đề xuất dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nên hạ từ 16 xuống 15 tuổi được đi xe gắn máy với điều kiện phải có bằng lái.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy nhưng không yêu cầu có bằng lái xe. Xe gắn máy (bao gồm xe máy điện) là xe cơ giới có dung tích xi lanh dưới 50cc hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4kw.
Đề xuất hạ độ tuổi được điều khiển xe gắn máy xuống 15 tuổi
Góp ý dự thảo Luật, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, theo Bộ luật Lao động, độ tuổi tối thiểu của lao động là đủ 15 tuổi, có đủ sức khỏe để điều khiển xe gắn máy. Mỗi năm cả nước có hơn 400.000 người ở độ tuổi 15 tham gia học nghề hoặc lao động tự do, hơn 1 triệu học sinh vào lớp 10.
Trên thực tế, trẻ từ 15 tuổi, học sinh từ lớp 10 đã sử dụng xe gắn máy khá phổ biến. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2022- 2023, cả nước có 2.970 trường THPT. Ở vùng nông thôn, miền núi, rất nhiều trẻ phải đến trường với khoảng cách xa từ vài km đến hàng chục km.
"Dự thảo Luật không cho phép người 15 tuổi sử dụng xe gắn máy sẽ gây khó khăn cho các em khi đi làm việc, đến trường", ông An nói. Do đó, ông An đề xuất cho phép trẻ từ 15 tuổi được sử dụng xe gắn máy.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội ô tô, xe máy, xe đạp Việt Nam (VAMOBA) Phạm Cường đề xuất ban soạn thảo điều chỉnh độ tuổi người được điều khiển xe gắn máy từ 16 xuống 15 tuổi.
Dẫn số liệu từ Bộ GD&ĐT, ông Cường cho biết, năm học 2022 - 2023, trên cả nước có trên 400.000 người ở độ tuổi 15 tham gia học nghề hoặc lao động tự do. Ngoài ra, còn có 1.428.400 học sinh lớp 9, số học sinh trúng tuyển vào lớp 10 là 1.065.046 em. Như vậy, số còn lại 363.354 em tương đương 25% tham gia thị trường lao động - chưa kể các em không theo học lớp 9 năm học này.
Ông Cường cho biết, từ những số liệu trên cho thấy số lượng học sinh THPT trên toàn quốc rất lớn. Chưa hết, các em ở độ tuổi 15 không được đến trường và nhu cầu đi lại của các em độ tuổi 15 rất cao, đặc biệt là các tỉnh miền núi thì số lượng các trường THPT không nhiều nên các em học sinh phải di chuyển rất xa để đến trường.
“Do vậy, việc hạ tuổi người được điều khiển xe gắn máy xuống 15 tuổi là có tính khả thi và phù hợp với thực tế cuộc sống ở các vùng nông thôn Việt Nam.
Thực tế, người ở độ tuổi 15 đã đảm bảo thể trạng và đủ điều kiện lao động. Bộ luật Hình sự 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép. Như vậy, người đủ 15 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự, phải ý thức được trách nhiệm khi điều khiển xe gắn máy”, ông Cường nêu.
Theo ông Cường, nếu luật hạn chế chỉ để người từ đủ 16 tuổi mới được điều khiển xe gắn máy sẽ có tình trạng "vi phạm pháp luật chủ động", do người dân vẫn để con mình sử dụng xe gắn máy dù biết là vi phạm pháp luật, tạo ra ý thức không tốt về pháp luật của con em về sau.
Cần phải có bằng lái xe
Để đảm bảo an toàn cho nhóm trẻ em từ 15 tuổi được đi xe gắn máy, ông Nguyễn Tô An cho rằng, cần sát hạch, cấp bằng lái hạng AM (bằng lái xe dưới 50cc). Việc này nhằm tăng thêm hiểu biết cho các em về tham gia giao thông. Việc học có thể thực hiện bằng nhiều phương thức, sau đó đến trung tâm kiểm tra, đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp giấy phép lái xe.
"Trong khi xe gắn máy được quản lý bằng cách cấp biển kiểm soát thì người điều khiển phương tiện cũng cần được cấp bằng để kiểm tra kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.
Hơn nữa, quy định cấp bằng cho người lái xe gắn máy phù hợp với các công ước quốc tế cũng như thực tế giao thông tại Việt Nam. Hiện Công ước Viên quy định người lái xe gắn máy cần được cấp bằng hạng AM", ông An nói.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM cho rằng, việc trẻ đi xe máy điện, xe máy dưới 50cc phải có bằng là có cơ sở.
“Xét dưới góc độ thực hành, với xe đạp điện, xe máy dưới 50cc, người lái chỉ cần tập vài buổi là điều khiển thành thạo. Trong khi đó, nên tăng cường kiến thức pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh trong trường học.
Theo tôi, những nội dung này nên nằm trong chương trình học bắt buộc. Ở tuổi học sinh, cộng với kỷ luật của nhà trường, các cháu buộc phải học để trả bài. Khi trẻ học thuộc thì sẽ ghi nhớ những kiến thức này vào đầu”, ông Tính nói.
Trái ngược với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thông tin, cả nước hiện có 23 triệu học sinh, trong đó học sinh THPH chiếm 30 - 40%. Do vậy đề xuất áp dụng quy định sát hạch, cấp bằng lái xe dưới 50cc cần đánh giá được sự cần thiết và tác động đến xã hội.
“Nếu quy định áp dụng nhưng chưa đánh giá được tác động, sẽ dẫn đến cú sốc cho các nhà trường, phụ huynh và quá tải cho trung tâm đào tạo lái xe, đây lại là hệ lụy xấu, bất an cho xã hội”, ông Quyền nói.
Quy định người lái xe máy điện, xe gắn máy dưới 50cc phải có bằng lái xe A0 (qua sát hạch) từng được đưa vào dự thảo lần 1 Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, tháng 7/2020. Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cùng đại diện một số cơ quan từng bày tỏ ủng hộ quy định này.
Quốc hội sau đó quyết định tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, cả hai dự luật trình Quốc hội khóa 15 cho ý kiến đều không có nội dung quy định cấp bằng hay sát hạch người lái xe máy dưới 50cc.
Một số quốc gia châu Âu đã quy định người từ 15 tuổi trở lên phải có bằng lái AM để được phép điều khiển xe gắn máy dưới 50cc trên đường.
Để có thể lấy bằng AM, người dân cần vượt qua một bài kiểm tra lý thuyết bắt buộc nhằm đánh giá mức độ hiểu biết về các quy tắc giao thông. Ở một số quốc gia thành viên EU, kỳ thi lấy bằng AM còn bao gồm bài kiểm tra hành vi.
Từ 1/6, học viên thi bằng lái xe không phải học lý thuyết tập trung
Chỉ phạt tiền người vi phạm nồng độ cồn, không tước bằng lái xe có đủ răn đe?