Nhóm cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng mạnh, 'ông lớn' DPM 'tím lịm'.
Trong phiên sáng 3/6, cổ phiếu của các công ty thuộc nhóm phân bón như Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), Phân bón Bình Điền (BFC), Vinachem (DDV) đều tăng với biên độ lớn từ 4-6%, trong đó có mã DPM tăng trần lên tới gần 7%. Nhìn rộng hơn, 4 cổ phiếu phân bón này đã tăng từ 23-45% chỉ trong 1 tháng qua.
Cổ phiếu DPM tăng mạnh trong 1 tháng qua |
Cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng giá mạnh trong phiên hôm nay. Đáng chú ý, diễn biến tích cực đến ngay khi chuyên gia thuế có những chia sẻ về Luật Thuế 71 với tạp chí PetroTimes (tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam).
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Phụng - chuyên gia cao cấp về thuế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho rằng, việc không đánh thuế VAT với phân bón và một số sản phẩm nông nghiệp khác chẳng khác gì “cháy nhà hai đầu”. Chuyên gia này đề xuất Nhà nước nên áp thuế 5% cho mặt hàng phân bón.
Ông Phụng chia sẻ: “Chúng ta đều biết rằng thuế VAT có tính chất liên hoàn, số thuế VAT phải nộp bằng số thuế đầu ra trừ số thuế đầu vào. Nói một cách dễ hiểu, doanh nghiệp nộp thuế VAT ở đầu ra được khấu trừ thuế VAT đã nộp ở đầu vào. Còn nếu thuộc đối tượng không chịu thuế thì doanh nghiệp không phải nộp thuế ở đầu ra, nhưng đầu vào mua nguyên liệu để sản xuất phải nộp thuế VAT 5% hoặc 10% thì không được khấu trừ. Như vậy, vô hình chung những ưu đãi từ Luật Thuế 71 chẳng khác gì ngược đãi với cả doanh nghiệp lẫn nông dân.
Bên cạnh đó, không đánh thuế khiến ngân sách Nhà nước mất khoản thu, doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do không được khấu trừ thuế đầu vào là một đầu.
Việt Nam không đánh thuế VAT với hàng hóa, dịch vụ nào ở trong nước thì cũng phải đối xử bình đẳng với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu. Không thể làm khác, vì đây là nguyên tắc trong các hiệp định thương mại tự do, cũng như quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.
Phân bón nhập khẩu không chịu thuế VAT, trong khi doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu được hoàn thuế VAT đầu vào (ở nước họ), nên rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Hàng hóa nhập khẩu chỉ cần bán bằng giá hoặc thấp hơn một chút so với hàng sản xuất trong nước là chiếm lĩnh hết thị phần, vì tâm lý “sính hàng ngoại” của một bộ phận nông dân. Việc không đánh thuế đối với phân bón là chúng ta đã hỗ trợ hàng nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài và khiến doanh nghiệp nội điêu đứng - đó là đầu thứ hai”.
ông Nguyễn Văn Phụng - chuyên gia cao cấp về thuế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn |
Trước đó, theo TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Luật thuế 71 góp phần để phân bón giả, phân bón kém chất lượng được thể tung hoành. Đã từ khá lâu, phân bón giả, phân bón kém chất lượng luôn được xem là vấn nạn trong sản xuất nông nghiệp. Người sử dụng rất khó phân biệt được đâu là phân bón thật, đâu là phân bón giả, có người chỉ biết dựa vào kinh nghiệm, có người phó thác vào uy tín của đại lý làm ăn lâu năm…
“Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước duy trì và phát triển ổn định, bền vững, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu, cần nhanh chóng đưa mặt hàng phân bón từ không chịu thuế VAT sang chịu thuế VAT. Về đề xuất tỷ lệ bao nhiêu % đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị. Ví dụ, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế VAT 0-5% và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn.
Bộ Tài chính cho biết, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên chính sách thuế VAT của nhiều quốc gia được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT ở mức 5%”, TS. Phùng Hà chia sẻ.
>> Một doanh nghiệp phân bón chia cổ tức cao nhất trong 6 năm, cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử