Bốn nền tảng được Bộ TT&TT đề xuất bổ sung vào danh mục các nền tảng số quốc gia cần ưu tiên thúc đẩy gồm cảng biển số, cửa khẩu số, bảo hiểm xã hội số và thuế điện tử.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đều xác định phát triển nền tảng số dùng chung là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần nhấn mạnh, đặc trưng cơ bản nhất của thời chuyển đổi số là các nền tảng số dùng chung. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số được tổ chức mới đây, người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định: "Chuyển đổi số phải dựa trên các nền tảng số. Trong không gian mạng thì người nào nắm nền tảng số người đó nắm dữ liệu, và vì nắm dữ liệu mà người đó sẽ quyết định tất cả. Bởi vậy, chuyển đổi số Việt Nam mà không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi chính từ chuyển đổi số Việt Nam lại không phải Việt Nam. Phát triển các nền tảng số Việt Nam là lời giải chính cho chuyển đổi số Việt Nam".
Để hình thành nên một hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, từ tháng 2/2022, Bộ TT&TT đã ban hành Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Tại Chương trình này, Bộ TT&TT công bố lần thứ nhất danh mục 35 nền tảng quốc gia phục vụ chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, có 20 nền tảng do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội; và 15 nền tảng số quốc gia do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội.
Tuy vậy, trong báo cáo đánh giá tình hình chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2023, với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cho biết, một trong những tồn tại thời gian qua chính việc chậm trễ trong triển khai và phổ biến các nền tảng số quốc gia. Đến nay, số lượng nền tảng số quốc gia được triển khai rộng rãi chưa nhiều.
Trên cơ sở thực tiễn phát triển các nền tảng số thời gian qua, Bộ TT&TT mới đây đã có đề xuất bổ sung các nền tảng cảng biển số, thuế điện tử, bảo hiểm xã hội số và cửa khẩu số vào danh mục các nền tảng số quốc gia cần ưu tiên thúc đẩy.
Bộ TT&TT cũng đề xuất rõ các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ chủ trì việc thúc đẩy phát triển và sử dụng 4 nền tảng số sẽ được xem xét bổ sung vào danh mục nền tảng số quốc gia. Cụ thể, các cơ quan chủ quan được đề xuất chủ trì nền tảng cảng biển số là Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng; nền tảng bảo hiểm xã hội số là Bảo hiểm xã hội Việt Nam; 2 nền tảng thuế điện tử và cửa khẩu số là Bộ Tài chính.
Nhiệm vụ thúc đẩy phát triển các nền tảng thuế điện tử, cảng số và bảo hiểm xã hội điện tử trước đó đã được phân công cho các bộ, ngành: Tài chính, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2023.
Riêng với nền tảng cửa khẩu số, Bộ TT&TT cho biết, qua quản lý, theo dõi, nền tảng này đã được nhiều địa phương có cửa khẩu quan tâm, nghiên cứu áp dụng để phát triển kinh tế số cửa khẩu, tạo động lực phát triển kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và của cả quốc gia.
Cũng theo lý giải của Bộ TT&TT, lý do để Bộ đề xuất Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản triển khai và thúc đẩy nền tảng cửa khẩu số là bởi nền tảng này cung cấp công cụ quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động tại khu vực cửa khẩu. Trong đó, nghiệp vụ cốt lõi được chú trọng trong quá trình phát triển và triển khai là điều phối, quản lý toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thông quan hàng hóa qua cửa khẩu.
Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2022 đã đưa ra các mục tiêu đến 2030 là: “100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan”, “100% các cửa khẩu đường bộ triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khai trước về hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới”.
Đồng thời, Chiến lược cũng quy định “việc kiểm tra thực tế, giám sát hàng hóa, theo dõi quản lý hoạt động nhập khẩu hàng hóa cơ bản được giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan quản lý địa bàn nơi doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thực hiện”.
Theo Bộ TT&TT, nền tảng số là hệ thống thông tin có một số đặc điểm: Tập hợp phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu được thiết lập với chức năng, tính năng chính để phục vụ giao dịch điện tử, bảo đảm tính xác thực, tin cậy trong các giao dịch điện tử; tạo môi trường điện tử cho phép các bên thực hiện giao dịch hoặc cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc sử dụng để phát triển sản phẩm, dịch vụ; giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn; có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. |