Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các Bộ ngành, địa phương, lấy ý kiến cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới.
Theo Bộ Công Thương, biểu giá điện cũ 6 bậc được xây dựng từ năm 2014 hiện nay đã không còn phù hợp. Bộ đề xuất 2 phương biểu giá điện mới, gồm 4 và 5 bậc.
Với phương án 5 bậc thang đang được bộ Công Thương đề xuất Những hộ gia đình sử dụng điện dưới 400 kWh/tháng sẽ được trả thấp hơn so với mức giá điện hiện nay. Ngược lại, những hộ gia đình dùng trên 400 kWh và trên 700 kWh/tháng sẽ phải trả giá cao hơn.
Còn với phương án 4 bậc thang, những hộ gia đình dùng dưới 300 kWh/tháng sẽ được trả giá điện thấp hơn và ngược lại.
"Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới sẽ được giữ ổn định không thay đổi cho phần lớn khách hàng sử dụng điện. Đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, những người thu nhập thấp sẽ cố gắng làm sao để giá điện không đổi và chỉ điều chỉnh giá điện với những khách hàng sử dụng điện lớn.
Với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới sẽ góp phần cho mục tiêu kêu gọi khách hàng sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả hơn", ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết.
Theo Hội Điện lực Việt Nam, việc nâng giá điện với đối tượng khách hàng sử dụng trên 400kWh /tháng không chỉ để kêu gọi tiết kiệm điện, mà còn để hỗ trợ cho những hộ gia đình khó khăn, với mức sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng.
Ông Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam cho biết: Với xu thế sử dụng năng lượng ngày càng nhiều như hiện nay thì số hộ dùng dưới 100 kWh/tháng không quá nhiều, đa số khoảng 100 - 400 kWh/tháng. Ông cho rằng, mỗi hộ gia đình dùng trên 400 kWh cần phải tiết chế lại.
Như vậy, với cả 2 phương án 5 bậc và 4 bậc đang được đề xuất, mức giá điện được giữ ổn định ở phân khúc 100-400 kWh - phân khúc đang được đại đa số các hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng.
Giá điện chỉ cao hơn hẳn với phân khúc trên 700kwh, chiếm tỷ lệ khoảng 2% trên tổng số hơn 20 triệu hộ gia đình đang sử dụng điện sinh hoạt hiện nay.
Người dân lo lắng phát sinh chi phí
Tiếp nhận thông tin này, nhiều người dân cho rằng, tính theo cách nào thì khung giá mới cũng sẽ khiến tiền điện của mỗi hộ gia đình tăng lên, bởi hiếm nhà nào dùng dưới 100 kWh/tháng.
Nhiều người cho rằng, hiện nhiều hộ gia đình ở nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, phải chi tiêu "tằn tiện", thậm chí chỉ dám dùng dưới 50 kWh/tháng. Đề xuất điều chỉnh biểu giá điện sinh hoạt đã vô tình gây khó khăn cho nhiều hộ gia đình.
Một số ý kiến cũng cho rằng, nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ cho gia đình nghèo, sử dụng dươi 50 kWh hoặc 100 kWh với giá rẻ hơn để giảm khó khăn cho họ. Đồng thời, với mức từ 700 kWh đắt lên bởi những gia đình sử dụng mức này thường có điều kiện về tài chính. Việc tăng giá sẽ giúp họ tiết kiệm điện hơn.
Một số người thuê trọ tại Hà Nội cho rằng, , ở một thành phố lớn, một hộ gia đình cần sử dụng các thiết bị điện như: Ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt điện, các thiết bị chiếu sáng..., vậy muốn tiết kiệm điện, dùng dưới 100 kWh/tháng để được tính giá rẻ nhất thì rất khó.
Đặc biệt, những người từ tỉnh lẻ lên Hà Nội mưu sinh, những sinh viên rời quê lên thành phố học tập có quá nhiều vất vả, thậm chí, giá điện nước cũng bị chủ nhà tăng lên, không được hưởng giá nhà nước quy định. Vì vậy, người dân đều mong giá điện giữ ổn định, có tính cân bằng đối với tất cả đối tượng.
Chia sẻ về vấn đề này, một số người dân đưa ra ý kiến nên tính giá điện dựa vào nhiều yếu tố như: theo địa phương, mục đích sử dụng, tính theo đầu người, mức tiêu thụ tối thiểu/ngày/người. Ngoài ra, giá điện dùng cho sinh hoạt cuộc sống cũng khác với điện kinh doanh (bao gồm tất cả các ngành nghề kinh doanh: dịch vụ giải trí, giáo dục, y tế...).
Người dân cũng bày tỏ, trong bối cảnh tất cả mọi thứ đều tăng, việc giá điện tăng là điều tất yếu. Tuy nhiên cần tính toán hợp lý, thể hiện tính nhân văn, hỗ trợ người dân ở mức cao nhất.
Nóng: Tăng giá điện từ hôm nay
Điểm mặt doanh nghiệp hưởng lợi khi giá điện điều chỉnh theo cơ chế mới: GEX, BCG,...