Doanh nghiệp A-Z

Đề xuất điều chỉnh giảm giá điện trong một số tình huống

Quốc Trung 13/01/2025 - 09:54

Ngoài đề xuất điều chỉnh giá điện linh hoạt với biến động của các yếu tố đầu vào, Dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng được cho là tạo ra những thuận lợi để EVN có lãi trở lại, khắc phục giai đoạn khó khăn.

Theo báo Vietnamnet, Bộ Công Thương vừa trình Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định mới về giá bán lẻ điện bình quân, đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 3 tháng xuống còn 2 tháng. Theo dự thảo, khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% hoặc giảm từ 1% so với giá hiện hành, giá điện sẽ được điều chỉnh tương ứng.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, giá than trên thế giới có thể biến động rất mạnh, lên đến hơn 40% chỉ trong một tháng, tạo áp lực lớn lên chi phí sản xuất điện. Ngoài giá than, giá khí hóa lỏng (LNG), tỷ giá USD và cơ cấu sản lượng cũng là những yếu tố biến động cần phản ánh kịp thời để hạn chế tác động tiêu cực lên EVN.

Áp lực ở EVN

Theo dữ liệu từ năm 2009 đến 2024, giá bán điện bình quân tại Việt Nam đã tăng khoảng 122% qua 11/17 lần điều chỉnh. Tuy nhiên, sự tăng giá này không đủ giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cải thiện hiệu quả tài chính. Trong hai năm 2022-2023, EVN lỗ tổng cộng 47.500 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2024, tập đoàn tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 13.000 tỷ đồng.

Đề xuất điều chỉnh giảm giá điện trong một số tình huống
Giá bán điện bình quân tại Việt Nam đã tăng khoảng 122% qua 11/17 lần điều chỉnh

Nguyên nhân chính đến từ chi phí mua điện, chiếm tới 82% cơ cấu giá thành, tăng mạnh do sản lượng thủy điện giảm và tỷ trọng nhiệt điện than, khí tăng lên. Giá than và khí cao, cùng với tỷ giá USD tăng, càng đội chi phí sản xuất. Dù EVN đã tiết kiệm 2.000 tỷ đồng, việc giá bán lẻ điện không tăng tương ứng vẫn khiến tập đoàn đối mặt với lỗ lớn.

Dù gặp nhiều khó khăn, EVN vẫn ghi nhận những kết quả tích cực trong hoạt động đầu tư và sản xuất. Tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 82.400 MW, tăng 1.500 MW so với năm trước, trong đó năng lượng tái tạo chiếm 26%. Sản lượng điện toàn hệ thống đạt 308,73 tỷ kWh, tăng 9,9% so với năm 2023, và điện thương phẩm đạt 276,4 tỷ kWh, tăng 9,24%.

Tập đoàn hoàn thành nhiều dự án lớn như đường dây 500kV Quảng Trạch – Phố Nối và Thủy điện Ialy MR, giải ngân vốn đầu tư đạt 112.892 tỷ đồng, vượt kế hoạch 10,8%. Doanh thu hợp nhất năm 2024 ước đạt 575.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 25.000 tỷ đồng, với công ty mẹ EVN ghi nhận có lợi nhuận.

Cơ chế mới giúp EVN chuyển lãi

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định là quy định tỷ suất lợi nhuận trước thuế (ROE) dự kiến cho EVN ở mức 9,2%, tương đương 7,6% sau thuế, cao hơn nhiều so với mức 2-3% thường đạt được trước đây. Theo tính toán, với cơ chế điều chỉnh giá triệt để, EVN có thể lãi trước thuế khoảng 18.000 tỷ đồng/năm, tương đương lãi sau thuế 14.900 tỷ đồng.

Mức ROE này vẫn thấp hơn so với các nhà máy điện đã ký hợp đồng với EVN, bình quân từ 10% đến 12%. Tuy nhiên, đây là bước tiến quan trọng để EVN cải thiện tài chính, đảm bảo vốn cho đầu tư phát triển nguồn điện mới.

Trong giai đoạn tới, EVN dự kiến tập trung triển khai các dự án nguồn điện mới như LNG Nhơn Trạch 3&4 và BOT Vũng Áng 2. Đồng thời, tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng hạ tầng điện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc triển khai cơ chế giá điện mới không chỉ giúp EVN vượt qua khó khăn tài chính mà còn tạo động lực thu hút đầu tư vào ngành điện, đảm bảo sự ổn định của hệ thống năng lượng quốc gia.

>> Doanh nghiệp bán điện lớn nhất Việt Nam có lãi trở lại

Đề xuất giá điện mới: Dùng hơn 400kWh/tháng phải trả thêm tiền

Giá điện sinh hoạt mới: Hóa đơn điện từ 400 nghìn, giá tăng cao 3.700 đồng/kWh

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-xuat-dieu-chinh-giam-gia-dien-trong-mot-so-tinh-huong-271153.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đề xuất điều chỉnh giảm giá điện trong một số tình huống
    POWERED BY ONECMS & INTECH