Doanh nghiệp A-Z

Xây siêu tổ hợp công nghiệp đường sắt 250ha, mỗi năm sản xuất 25 đầu máy và hàng trăm toa xe 'made in Vietnam'

Hải Băng 16/07/2025 - 16:27

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất xây dựng tổ hợp công nghiệp đường sắt quy mô lớn tại Hà Nội, hướng tới làm chủ công nghệ, nội địa hóa linh kiện và sản xuất đầu máy, toa xe cho các dự án đường sắt tốc độ cao, đô thị và quốc gia trong tương lai.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về định hướng xây dựng tổ hợp công nghiệp đường sắt, nhằm phục vụ các dự án trong nước, tiến tới làm chủ công nghệ và nội địa hóa ngành đường sắt.

Theo định hướng, tổ hợp sẽ phát triển sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa các linh kiện phần cứng, phần mềm trong các hệ thống thông tin, tín hiệu và cấp điện. Đồng thời, ngành đường sắt đặt mục tiêu tự chủ vận hành, bảo trì và dần tiến tới sản xuất linh kiện, phụ tùng thay thế cho các tuyến đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị…

Xây siêu tổ hợp công nghiệp đường sắt 250ha, mỗi năm sản xuất 25 đầu máy và hàng trăm toa xe 'made in Vietnam'
Ảnh minh họa

Tổ hợp cũng có kế hoạch nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư thiết bị để sản xuất đầu máy, toa xe cho tuyến đường sắt quốc gia (vận tốc dưới 200 km/h), cũng như sản xuất toa xe phục vụ các tuyến đường sắt đô thị.

Về công suất, VNR đề xuất mỗi năm tổ hợp có thể sản xuất và lắp ráp: 10 đầu máy diesel hoặc sử dụng năng lượng sạch (PNG, hydro); 15 đầu máy điện; 50 toa xe khách thường; 60 toa xe khách tốc độ 160 km/h; 300 toa xe hàng khổ 1.435mm và 1.000mm; 200 toa xe đô thị…

Tổ hợp dự kiến có khoảng 20 khu chức năng chính, bao gồm khu sản xuất giá chuyển hướng (lắp ráp trục bánh xe, hệ thống hãm, giảm chấn…); khu lắp ráp đầu máy, toa xe hàng, đoàn tàu EMU, tàu tốc độ cao; khu sản xuất vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế. Ngoài ra, còn có các khu phụ trợ như trung tâm nghiên cứu công nghệ, trung tâm đào tạo, khu logistics, bãi đỗ tàu, đường chạy thử, khu lưu trú cho công nhân viên...

Tại Thông báo 157/TB-VPCP ngày 5/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao VNR chủ trì lập hồ sơ dự án tổ hợp công nghiệp đường sắt theo đúng quy định. UBND TP. Hà Nội được giao xem xét, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục để giao 250ha đất tại huyện Phú Xuyên cho VNR nghiên cứu đầu tư dự án.

Dự kiến, ngành đường sắt sẽ cần nguồn lực lớn cho các tuyến như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các tuyến đô thị Hà Nội - TP. HCM… Tổng vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ USD. Đây là cơ hội để Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp đường sắt hiện đại, làm chủ công nghệ trong giai đoạn 2030 - 2045.

Tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam được xây dựng vào năm 1881 với chiều dài 71km nối Sài Gòn với Mỹ Tho. Sau đó tuyến đường sắt xuyên Việt bắt đầu được khai thác vào năm 1936. Đến nay, mạng đường sắt đã có bước tiến vượt bậc về cả quy mô và năng lực so với giai đoạn đầu. Đường sắt Việt Nam bao gồm 7 tuyến chính nối liền 35 tỉnh thành qua nhiều địa hình đặc biệt. Với hơn 130 năm khai thác, Đường sắt Việt Nam liên tục phát triển, hiện trở thành công ty do Nhà nước làm chủ sở hữu, khai thác và duy trì toàn bộ cơ sở hạ tầng của mạng đường sắt quốc gia.

>> VinSpeed tăng vốn thần tốc lên 15.000 tỷ đồng, tuyển dụng gần 1.000 nhân sự

Hòa Phát cần làm thép ray có độ bền 100 năm để đủ điều kiện tham gia toàn bộ dự án đường sắt tại Việt Nam

Hòa Phát (HPG) chốt ngày khởi công nhà máy thép ray 14.000 tỷ đồng, đặt nền móng cho loạt dự án đường sắt trăm tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xay-sieu-to-hop-cong-nghiep-duong-sat-250ha-moi-nam-san-xuat-25-dau-may-va-hang-tram-toa-xe-made-in-vietnam-296653.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xây siêu tổ hợp công nghiệp đường sắt 250ha, mỗi năm sản xuất 25 đầu máy và hàng trăm toa xe 'made in Vietnam'
    POWERED BY ONECMS & INTECH