Đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân với người nuôi con nhỏ để tăng mức sinh
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử, một cuộc điều tra tiến hành vào năm 2019 tại các tỉnh phía Nam cho thấy 91% người được hỏi đều nhận định chi phí vật chất để nuôi con là "cao và rất cao".
Năm 2023, lần đầu tiên mức sinh của Việt Nam về dưới mức 2 con, cụ thể là 1,96 con/phụ nữ và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tới, thậm chí dân số tăng trưởng âm chỉ sau vài chục năm nữa. Nhiều chuyên gia lo ngại nếu không thay đổi chính sách dân số và những can thiệp mạnh mẽ, Việt Nam không thể vực dậy mức sinh, ảnh hưởng sự phát triển bền vững đất nước.
VietNamNet có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) về vấn đề này.
"Để mức sinh giảm quá sâu sẽ đi vào con đường các nước phát triển đang chịu đựng"
Gần đây trong dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định và nghĩa vụ cho mỗi cá nhân, cặp vợ chồng. Giáo sư đánh giá ra sao về đề xuất này?
- Pháp lệnh Dân số năm 2008 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được "quyết định thời gian và khoảng cách sinh con" và "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".
Dự thảo Luật Dân số đề xuất Nhà nước trao quyền quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh cho các cặp vợ chồng, thay vì quy định chỉ "sinh một hoặc hai con". Nếu dự luật được thông qua, tôi cho rằng đây sẽ là điểm mới của chính sách Dân số ở Việt Nam.
Thực tế, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) trong gần 20 năm nay, nhiều năm liền dưới mức sinh thay thế. Thậm chí, mức sinh ở khu vực thành thị và Nam bộ đã giảm sâu dưới mức sinh thay thế từ năm 1999. Nếu mức sinh thấp lan rộng, hậu quả là đẩy nhanh tiến trình già hoá dân số, thiếu hụt lao động.
Thế hệ bước vào độ tuổi sinh sản cao nhất hiện là những người dưới 35 tuổi. Đây là thế hệ sinh ra sau đổi mới (từ sau năm 1986), trong thời kỳ chính sách kế hoạch hoá gia đình ở Việt Nam rất mạnh. Nhưng họ cũng trưởng thành trong thời đại 4.0, Internet, hội nhập, nhiều thông tin, thế hệ đó không có nhu cầu sinh nhiều con.
Thêm nữa, cũng cần lưu ý các bài học của quốc gia khác, như ở Trung Quốc đã nới lỏng chính sách dân số từ 1 con sang 2, thậm chí 3 con, nhưng mức sinh không tăng.
Việt Nam sau khoảng 20 năm duy trì mức sinh thay thế, mô hình gia đình 2 con trở nên phổ biến. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi quy định về số con. Nếu thay đổi muộn, để mức sinh giảm sâu, Việt Nam sẽ giống tình trạng mà các nước phát triển đã và đang chịu đựng.
Theo ông, yếu tố kinh tế có quyết định tất cả hành vi sinh sản, nhu cầu, mong muốn có con của thế hệ hiện nay?
- Tôi cho rằng hành vi sinh sản đang chuyển từ hành vi mang tính bản năng, tự nhiên sang hành vi có tính toán, đầu tư về chi phí, lợi ích.
Khái niệm chi phí này bao gồm cả vật chất và tinh thần. Trong chi phí vật chất, theo cuộc điều tra tiến hành vào năm 2019 tại các tỉnh phía Nam mà chúng tôi tiến hành, 91% người được hỏi cho rằng chi phí vật chất để nuôi con là "cao và rất cao", gồm chi phí nhà ở, học hành, cuộc sống, y tế...
Chi phí kinh tế lớn, đo được, nhưng chi phí về tinh thần cũng rất nặng nề. 85% người dân được hỏi trong nghiên cứu của chúng tôi đều bày tỏ như thế. Từ khi có bầu thì lo con sinh ra bị dị tật, sinh con rồi lo con không khoẻ mạnh, học tập không đến nơi đến chốn, không ngoan ngoãn, không tu chí lại sa vào tệ nạn... Con lớn hơn thì lo thất nghiệp, lo làm ăn thua lỗ... Nỗi lo chi phí tinh thần cao hơn chi phí vật chất.
Về lợi ích, lợi ích kinh tế do người con mang lại ngày càng giảm, vì bố mẹ có lương hưu, người già tự đảm đương cuộc sống. Trong khi về lợi ích tình cảm, nhiều gia đình cảm nhận việc chỉ cần một hai người con là đủ.
Phân tích vậy để thấy bài toán chi phí thì đắt nhưng lợi ích giảm dần khiến nhiều người không sinh con hoặc sinh rất ít.
Giải pháp nào có thể khuyến khích sinh con?
Nhiều người vẫn cho rằng bài toán kinh tế quyết định gần như toàn bộ ý định và hiện thực hoá việc sinh con. Chính quyền nhiều nơi đã có các biện pháp kinh tế thân thiện với gia đình như tặng tiền, hỗ trợ chi phí sinh con, khám sàng lọc một số bệnh bẩm sinh... nhưng có vẻ người dân không mặn mà, mức sinh vẫn không vực dậy được. Nếu bỏ các quy định về đảng viên sinh con thứ 3 trở lên thì bài toán mức sinh thấp ở Việt Nam có "dễ thở" hơn không?
- Theo tôi việc thay đổi, bỏ quy định về đảng viên hay một số nhóm đối tượng sinh con thứ 3 có thể tác động nâng cao mức sinh nhưng có lẽ không nhiều. Vì cốt lõi vấn đề, không chỉ đảng viên, công chức mà là của bất kỳ ai, vẫn là nỗi lo về chi phí và lợi ích như đã nói ở trên.
Chưa kể, theo điều tra, người học vấn càng cao, có điều kiện kinh tế càng sinh ít con. Họ yêu cầu cao về chất lượng của người con, đầu tư lớn cho con (như học trường tốt, học thêm nhiều, đi du học, lại tốn nhiều chi phí), chứ không quan tâm số lượng, vì thế sẽ không tăng được mức sinh tổng thể.
Việc tặng tiền như một số nơi đã và đang thực hiện theo tôi là không đáng kể so với nhu cầu của các cặp vợ chồng trong việc sinh và nuôi con.
Chuyện sinh con có vẻ như không còn là chuyện riêng của từng cặp vợ chồng hay mỗi nhà mà đã là câu chuyện vĩ mô quốc gia. Giáo sư có đề xuất giải pháp nào để khuyến khích thế hệ trẻ sinh con?
- Theo tôi cần đa dạng hoá các hình thức hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng với các gia đình trẻ, ví dụ giảm thuế thu nhập cá nhân, hoặc miễn giảm mức đóng góp trong cộng đồng cho các cặp vợ chồng đang nuôi con nhỏ. Hiện tôi thấy các hộ gia đình có khi phải đóng tới 5-7 quỹ cộng đồng, mức đóng góp này không nhỏ.
Trợ cấp cho người già cũng là một hình thức khuyến sinh. Các cặp vợ chồng trẻ hiện "một bên gánh cha mẹ già, một bên gánh con nhỏ", nặng nề không chịu nổi, nhất là cha mẹ già không có lương hưu, không có thu nhập thường xuyên. Gánh đó quá nặng khiến thế hệ trẻ lựa chọn sinh ít con.
"Có con rồi mới trải nghiệm được các cung bậc tình cảm"
Thế hệ trẻ hiện không ít người thích hưởng thụ cuộc sống, ngại sự ràng buộc, trách nhiệm, chia sẻ tự do với người khác... Phải thay đổi trong tuyên truyền ra sao, thưa Giáo sư?
- Việc tuyên truyền cần tập trung vào hướng nhìn xa hơn về tương lai thay vì những lợi ích hay nỗi lo trước mắt.
Đúng là tuổi trẻ nếu không sinh con thì được tự do, tự quyết. Đây là tuổi ngọc, rất tuyệt vời. Nhưng thế hệ trẻ cần có tầm nhìn xa vì không ai trẻ mãi, ai cũng đến lúc già, nên cần nghĩ tới giai đoạn 60 tuổi trở lên.
An sinh xã hội ở nước ta vẫn còn khiêm tốn, chưa gánh được chức năng chăm sóc người cao tuổi, việc này vẫn phải dựa vào gia đình, cộng đồng. Vào nhà dưỡng lão cũng là một hình thức nhưng không phải ai cũng làm được. Một mặt về số lượng nhà dưỡng lão, mặt khác, người cao tuổi liệu có đủ kinh tế để vào đó hay không?
Mới đây tôi biết một nhà dưỡng lão ở Vũng Tàu, giá cơ bản mức cao nhất là 18 triệu đồng/tháng/cụ, 14 triệu nếu 2 cụ một phòng và 9 triệu nếu 6 cụ một phòng. Lương hưu của người già có đảm đương được mức phí ấy không?
Ngoài an sinh xã hội thì an sinh trong chính gia đình rất cần. Vì thế tôi vẫn thường nói "lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ". Hơn nữa, có con cái, chúng ta mới có động lực làm kinh tế, mới trải nghiệm được các cung bậc tình cảm, về tình yêu, trách nhiệm.
Tỉnh đông dân nhất Việt Nam sắp có đô thị hơn 700ha, quy mô dân số lên tới 15.000 người
Mức sinh giảm liên tục, Việt Nam có thể đối mặt với dân số tăng trưởng âm sau 35 năm