Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ phát thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 24/8/2022.
Cụ thể, đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao".
Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistic, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tăng cường chỉ đạo, đề nghị, tuyên truyền đơn vị kinh doanh vận tải, cơ quan chuyên môn rà soát chặt chẽ mức giá kê khai, đảm bảo mức giá kê khai phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá, đặc biệt là yếu tố xăng dầu; trường hợp yếu tố xăng dầu giảm, tác động làm giảm giá cước thì yêu cầu kê khai giảm giá cước.
"Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về kê khai giá, niêm yết giá… xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, kê khai giá cước không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về kê khai giá, niêm yết giá... xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, kê khai giá cước không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá cước không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu cần thường xuyên cập nhật, tổng hợp báo cáo và tăng cường tuyên truyền, công khai thông tin về tình hình giá cước vận tải tại địa phương và cả nước.
Riêng đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định...
Tại kỳ điều hành ngày 5/9 vừa qua, giá xăng E5 RON 92 về 23.350 đồng/lít (tương đương giảm 370 đồng), xăng RON 95-III là 24.230 đồng (giảm 430 đồng) một lít.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 9 lần giảm và 1 lần giữ nguyên. Đáng chú ý trong 7 kỳ điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng đã có 6 kỳ điều chỉnh giảm và 1 kỳ giữ nguyên.
Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu đã đồng loạt tăng, chỉ riêng dầu mazut giảm giá. Cụ thể, dầu diesel là 25.180 đồng một lít (tăng 1.430 đồng). Dầu hỏa có mức giá mới là 25.440 đồng (tăng 1.390 đồng), dầu mazut có giá 16.079 đồng/kg (giảm 470 đồng).
Cũng trong kỳ điều chỉnh vừa rồi, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu mỗi lít xăng từ 451-493 đồng vào quỹ. Dầu DO và dầu hoả chi sử dụng Quỹ bình ổn từ 100-300 đồng mỗi lít.
Cổ phiếu tăng gần 160% sau 3 tháng lên sàn, một doanh nghiệp xăng dầu sắp tăng vốn