Lo ngại nguy cơ về sự suy giảm thanh khoản trên thị trường trái phiếu cũng như sự "rơi rụng" số lượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trên thị trường huy động vốn quan trọng này, Bộ Tài chính đang thực hiện lấy ý kiến sửa đổi Nghị định số 65 trình Chính phủ.
Sau vụ lùm xùm nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái phiếu Tập đoàn Tân Hoàng Minh, quy định về nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp (trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ siết chặt hơn).
Cụ thể, Nghị định 65 của Chính phủ quy định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp cần đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch phải đạt giá trị bình quân tối thiểu 2 tỷ đồng trong thời gian tối thiểu 6 tháng liền kề, không bao gồm giá trị vay ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Kết quả xác nhận nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp sẽ có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày xác định.
Thực tế, quy định về nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu phải hội đủ khá nhiều điều kiện, nhưng vẫn có hiện tượng "lách".
Theo Bộ Tài chính, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 7 tháng năm 2022 là 280.641 tỷ đồng - tương đương cùng kỳ năm 2021 trong đó nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 10,11%, công ty chứng khoán mua 22,43% và phần còn lại chủ yếu là các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, khi thống kê trên thị trường thứ cấp, sau khi mua trái phiếu, các công ty chứng khoán chủ yếu bán lại cho nhà đầu tư cá nhân khiến lượng trái phiếu nắm giữ của cá nhân tăng lên mức 32,6%.
Lo ngại nguy cơ về sự suy giảm thanh khoản trên thị trường trái phiếu cũng như sự "rơi rụng" số lượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trên thị trường huy động vốn quan trọng này, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam về việc lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Bộ cũng đồng thời có văn bản trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Một trong 3 đề xuất quan trọng là việc giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65.
Bộ Tài chính nêu, Nghị định 65 (khoản 6 Điều 1) quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư (không bao gồm tiền vay).
Mục đích: Trong bối cảnh khó khăn về thanh khoản như hiện nay, việc giãn thời gian thực hiện (hoãn thực hiện) quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong 1 năm theo ý kiến của một số doanh nghiệp có thể duy trì được nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp của các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính nhưng chưa tích lũy được thời gian 180 ngày để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo Nghị định 65.
Tuy nhiên rủi ro của biện pháp này là, khi lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh (thường tăng cao hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng thương mại), có thể một bộ phận nhà đầu tư cá nhân vì ham lãi suất cao, thiếu hiểu biết về pháp luật, theo chào mời vẫn cố gắng chứng minh bằng mọi cách trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Khi trái phiếu có rủi ro, doanh nghiệp phát hành không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu thì bộ phận nhà đầu tư này có thể sẽ tổ chức biểu tình, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước xử lý, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Vì thế, Bộ Tài chính trình Chính phủ 2 phương án:
+ Phương án 1: Hoãn thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và sẽ thực hiện trở lại các quy định này từ ngày 1/1/2024
Ưu điểm của phương án này là thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và có thể duy trì cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân (đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản thị trường gặp khó khăn như hiện nay).
Giá trị phát hành trái phiếu giảm sâu
Bộ Tài chính cho hay, hiện có 441 mã trái phiếu niêm yết đại chúng với quy mô giao dịch bình quân trong tháng 11/2022 là khoảng 2.370 tỷ đồng/phiên - giảm 38% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng đạt 8.100 tỷ/phiên - giảm 29% so với năm 2021.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, tính từ đầu năm đến ngày 11/11, khối lượng phát hành là 329.296 tỷ đồng - giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ, thời gian qua, các vụ việc xử lý vi phạm trên thị trường đã giúp nhà đầu tư đánh giá được tốt hơn nên sẽ hạn chế việc nhà đầu tư vì ham lãi suất cao mà không quan tâm đến rủi ro, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là có thể sẽ có một số lượng nhà đầu tư thiếu hiểu biết tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp vì ham lãi suất cao mà không đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, dẫn đến khó thanh lọc, nâng cao chất lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp để giải quyết những rủi ro thời gian trước đây.
Để thực hiện chính sách này, dự kiến cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục thực hiện các giải pháp: Thông tin, tuyên truyền, cảnh báo nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật, đánh giá đầy đủ rủi ro của doanh nghiệp phát hành và trái phiếu trước khi mua, hiểu rõ bản chất của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và chịu trách nhiệm khi quyết định đầu tư mua trái phiếu; tăng cường quản lý giảm sát thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (tổ chức tư vấn hồ sơ, phân phối, lưu ký trái phiếu) để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân.
Bộ tài chính nhấn mạnh, hiệu quả của các giải pháp này phụ thuộc phần lớn vào ý thức của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân; khi lãi suất trái phiếu được đẩy lên cao (thường vượt cao hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm ngân hàng) thì nhà đầu từ có xu hướng ham lãi suất mà không đánh giá đến rủi ro.
+ Phương án 2: Tiếp tục thực hiện quy định tại Nghị định số 65 về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
Ưu điểm của phương án này là phù hợp với bản chất của phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và mục tiêu khi ban hành Nghị định số 65, hướng đến nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có tổ chức và giảm thiểu rủi ro phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu; đảm bảo tính an toàn và bền vững của cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ngăn ngừa phát sinh các vụ việc lừa đảo nhà đầu tư phải xử lý hình sự gây nhiều hệ lụy.
Nhược điểm là trước mắt, nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (là cá nhân) có thể giảm.
Trong bối cảnh thanh khoản thị trường gặp khó khăn như hiện nay, để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn trong giai đoạn 2023 - 2024, Bộ Tài chính trình Chính phủ nghiêng về Phương án 1 - hoãn thực hiện quy định tại Nghị định số 65 về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm.