Vĩ mô

Rót hàng nghìn tỷ cho chuyển đổi số khu vực công nhưng chưa hiệu quả: Lý do nằm ở đâu?

Minh Anh 17/07/2025 - 18:03

Chuyển đổi số nếu chỉ được nhìn như một nhiệm vụ công nghệ đơn thuần, mà không gắn với cải cách thể chế, quản trị và đo lường hiệu quả sử dụng nguồn lực công, thì rất khó tạo đột phá thực chất”, ông Hòa nhấn mạnh.

Sáng 17/7, tại Diễn đàn “Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội”, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Phó Viện Trưởng Viện Trí Việt IVM - VUSTA (Bộ Khoa học và Công nghệ), Chủ tịch VDIC, Trung tâm Thông tin Truyền thông số Việt Nam của Hội Truyền Thông Số (VDCA), đã thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn thực tiễn trong tiến trình chuyển đổi số khu vực công tại Việt Nam.

Theo ông Hòa, một trong những rào cản lớn nhất là hạ tầng công nghệ tại các cơ quan Nhà nước còn rất lạc hậu, thiếu đồng bộ và khó tích hợp. Nhiều nơi vẫn sử dụng hệ thống lưu trữ dữ liệu rời rạc, không tương thích, gây cản trở việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương.

“Không có một kiến trúc công nghệ thống nhất, việc kết nối dữ liệu dân cư, thuế, y tế, tài chính… trở thành bài toán nan giải, dù các hệ thống đó đã được đầu tư lớn trong nhiều năm”, ông Hòa nhấn mạnh.

Rót hàng nghìn tỷ cho chuyển đổi số khu vực công nhưng chưa hiệu quả: Lý do nằm ở đâu?
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Phó Viện Trưởng Viện Trí Việt IVM - VUSTA (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ảnh: VOV.

>>> TS Lê Xuân Nghĩa: Không thể tiếp tục đào tạo AI một cách rón rén và chờ đợi người tài tự tìm đến

Trong khi tổng mức đầu tư cho các chương trình chuyển đổi số khu vực công bao gồm hạ tầng dữ liệu dân cư, căn cước công dân gắn chip, Cổng dịch vụ công quốc gia, nền tảng số ngành dọc…đã vượt hàng nghìn tỷ đồng, thực tế lại cho thấy sự phân bổ ngân sách thiếu đồng đều giữa trung ương và địa phương, khiến các cấp cơ sở khó có khả năng triển khai đồng bộ.

“Xây dựng trung tâm dữ liệu, triển khai mạng 5G hay phần mềm quản lý thông minh đều đòi hỏi chi phí lớn. Tuy nhiên, nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, không có đủ ngân sách để theo kịp tiến trình chuyển đổi số quốc gia, dẫn đến hiện tượng nơi làm tốt, nơi gần như bỏ trống", ông Hòa phân tích.

Không chỉ thiếu hạ tầng và ngân sách, chuyển đổi số khu vực công còn đối mặt với bài toán nhân lực công nghệ cao. Theo ông Hòa, các chuyên gia giỏi về trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, phân tích dữ liệu thường lựa chọn khu vực tư nhân hoặc các công ty công nghệ lớn do chính sách lương thưởng vượt trội.

Trong khi đó, cán bộ, công chức tại nhiều cơ quan hành chính, đặc biệt ở tuyến huyện, xã thiếu kỹ năng số, thiếu cả động lực và tâm thế thích nghi với công nghệ mới.

“Không ít người có tâm lý e ngại bị thay thế bởi công nghệ, hoặc sợ quy trình phức tạp hơn. Một bộ phận thì thiếu kỹ năng sử dụng hệ thống điện tử căn bản, khiến các nền tảng bị bỏ không hoặc vận hành kém hiệu quả”, ông Hòa cho biết.

Một thách thức khác được chỉ ra là nguy cơ tấn công mạng ngày càng lớn khi dữ liệu nhạy cảm như thông tin công dân, tài chính, y tế… được số hóa và lưu trữ tập trung, nhưng lại thiếu lớp bảo vệ pháp lý và công nghệ tương xứng.

Hệ thống pháp luật về bảo mật dữ liệu, an toàn thông tin, lưu trữ số… vẫn chưa bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ, gây ra khoảng trống trong việc xử lý sự cố và đảm bảo niềm tin số cho người dân.

Để tháo gỡ những nút thắt hiện nay, Phó Viện trưởng Nguyễn Thái Hòa nêu 4 đề xuất:

Thứ nhất, tăng ngân sách đầu tư hạ tầng số, đặc biệt là xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia, mạng 5G, hệ thống lưu trữ đồng bộ tại địa phương.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực số cho khu vực công, thông qua hợp tác với các trường đại học, doanh nghiệp công nghệ, kết hợp đào tạo lại và đào tạo mới cho cán bộ, công chức.

Thứ ba, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ tham gia cung cấp giải pháp số cho khu vực công, như AI, blockchain, nền tảng phân tích dữ liệu lớn.

Thứ tư, xây dựng trung tâm giám sát an ninh mạng quốc gia, đồng thời ban hành khung pháp lý chặt chẽ về bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và lưu trữ số.

“Chuyển đổi số nếu chỉ được nhìn như một nhiệm vụ công nghệ đơn thuần, mà không gắn với cải cách thể chế, quản trị và đo lường hiệu quả sử dụng nguồn lực công, thì rất khó tạo đột phá thực chất”, ông Hòa nhấn mạnh.

>>> Đại diện VPBank: Chuyển đổi số không còn chỉ là chuyện riêng bộ phận IT, mà đã được tích hợp sâu vào mọi hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng

Đại diện VPBank: Chuyển đổi số không còn chỉ là chuyện riêng bộ phận IT, mà đã được tích hợp sâu vào mọi hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng

Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Chuyển đổi số là cầu nối sống còn giữa tỉnh và xã'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/rot-hang-nghin-ty-cho-chuyen-doi-so-khu-vuc-cong-nhung-chua-hieu-qua-ly-do-nam-o-dau-296714.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Rót hàng nghìn tỷ cho chuyển đổi số khu vực công nhưng chưa hiệu quả: Lý do nằm ở đâu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH