Để bịt lỗ hổng thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, có ý kiến cho rằng nên xây dựng một sàn giao dịch bất động sản giống như sàn giao dịch chứng khoán.
Liên quan và cụ thể, tại phiên chất vấn của Quốc hội đối về hai vấn đề lớn là giá xăng dầu và đấu giá đất diễn ra vào ngày 16/3/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong vòng 15 ngày đầu tháng 1/2022, qua kiểm tra 85.000 bộ hồ sơ và cho kê khai lại đã tăng thu hơn 222 tỷ đồng tiền thuế.
Theo số liệu từ ngành thuế, thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tăng từ mức 15.000 tỷ năm 2019 lên 16.800 tỷ đồng trong năm 2020 và đạt 21.700 tỷ đồng năm 2021. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, khoản thu này là 8.280 tỷ đồng.
Kết quả trên phản ánh một phần thực tế trốn thuế trong giao dịch bất động sản thời gian qua và hiện nay. Song, đó mới chỉ là một khía cạnh trong nhiều vấn đề phát sinh từ cách thu thuế ở lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Văn Được – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín chia sẻ, một khâu trong các giao dịch bất động sản của người dân là bước công chứng hợp đồng, trong khi cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc điều tra, chứng minh người nộp thuế khai giá không đúng như giao dịch trên thực tế. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên hướng tới việc phối hợp với các phòng công chứng để tuyên truyền, vận động và yêu cầu người giao dịch kê khai giao dịch đúng trên thực tế.
Sau khi công chứng xong, các giao dịch bất động sản sẽ được chuyển sang cơ quan thuế. Tại đây, cơ quan thuế đã có dữ liệu từ các giao dịch trước đó nên có thể thống kê, so sánh được về giá. Nếu có sự chênh lệch về mức giá giữa các giao dịch thì cơ quan thuế sẽ phát hiện ra những hồ sơ giao dịch đáng ngờ, từ đó yêu cầu thanh tra, kiểm tra.
Để thuận lợi hơn cho cơ quan thuế, ông Được đề xuất xây dựng một sàn giao dịch bất động sản giống như sàn giao dịch chứng khoán. Theo ông Được, chứng khoán chỉ là một chứng từ, bút toán ghi sổ do một đơn vị, tổ chức phát hành. Khi đưa lên sàn giao dịch thì có trung tâm nghiên cứu hoặc công ty chứng khoán giám sát.
"Bất động sản hay nhà đất cũng có những giấy tờ có quyền sở hữu, được cơ quan Nhà nước xác nhận thì tại sao chúng ta không đưa lên sàn để quản lý? Nếu bây giờ tất cả giao dịch bất động sản được đưa lên sàn thì sẽ quản lý được", ông Được nhấn mạnh.
Một biện pháp xử lý tình trạng trốn thuế trong giao dịch bất động sản khác được TS. Phan Hoài Nam – giảng viên Đại học Luật TP. HCM đề xuất là yêu cầu mọi thanh toán phải được giao dịch thông qua ngân hàng.
Cụ thể là yêu cầu thanh toán thông qua ngân hàng, sau đó lấy chứng từ ngân hàng nộp cùng với hồ sơ giao dịch để đem đi công chứng thì mới làm đăng bộ, thay cho giao dịch bằng tiền mặt như hiện nay. Nếu như không thanh toán thông qua ngân hàng thì từ chối giao dịch. Đưa thành một điều kiện để quản lý được về giá, từ đó điều tiết về thuế.
Còn về lâu dài, TS. Phan Hoài Nam đề nghị cần thay đổi phương pháp tính thuế. Bởi, phương pháp tính thuế hiện nay đang tạo điều kiện cho việc trốn thuế bằng cách ghi 2 giá. Cụ thể, đối với giao dịch cá nhân, mức thuế thu nhập cá nhân đang áp dụng là 2% trong giá bán. Như vậy, những người mua bán sẽ thoả thuận cùng ghi mức giá thấp và việc này cứ tiếp diễn trong các lần mua bán tiếp theo.
“Nên chăng cơ quan Nhà nước đánh thuế 25% dựa trên thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản. Tức là lấy con số chênh lệch từ lần mua và lần bán của cùng một bất động sản để đánh thuế” TS. Nam nêu.
Cách tính mới về thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất
TPHCM thu gần 6.000 tỷ đồng từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất