Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2017/TT-BGTVT ngày 06/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý và bảo đảm hoạt động bay.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện chức trách của Nhà chức trách hàng không như được Chính phủ giao tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 66/2015/NĐ-CP "Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là Nhà chức trách hàng không, trực tiếp thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà chức trách hàng không theo quy định của pháp luật và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên."
Số lượng công chức của Cục Hàng không Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay (ANS) thiếu hụt rất nhiều so với yêu cầu, quy định, khuyến cáo của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Trong kết quả đánh giá an toàn (ICVM) niêm yết trên website của Chương trình đánh giá tổng thể về an toàn (USOAP - Universal Safety Oversight Audit Programme), ICAO liên tục đưa ra các khuyến cáo về số lượng giám sát viên an toàn (GSVAT) của Việt Nam không đủ để thực hiện trách nhiệm về giám sát an toàn bảo đảm hoạt động bay theo tiêu chuẩn quy định.
Theo yêu cầu của ICAO, để quản lý và bảo đảm ngăn ngừa các quy cơ an toàn, các quốc gia phải có đủ số lượng giám sát viên an toàn hàng không nói chung, lĩnh vực ANS nói riêng (bao gồm GSVAT về không lưu (ATS), thông báo tin tức HK (AIS), khí tượng HK (MET), thông tin-dẫn đường-giám sát (CNS), bản đồ HK (MAP-CHART), tìm kiếm cứu nạn HK (SAR) và phương thức bay (PANS-OPS)) để thực hiện công tác xây dựng, triển khai các quy định về an toàn bảo đảm hoạt động bay, tổ chức kiểm tra cấp giấy phép, kiểm tra đánh giá an toàn tại cơ sở theo kế hoạch đề ra.
Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết, đảm bảo số lượng giám sát viên, Cục Hàng không Việt Nam cần trưng dụng nhân lực của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM). Hiện tại nội dung trưng dụng nhân sự chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật, cần mở rộng đối tượng giám sát viên an toàn lĩnh vực quản lý hoạt động bay đáp ứng các yêu cầu theo qui định.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của chuyên gia ICAO, hiện nay lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay chưa có giám sát viên về nội dung cấp giấy phép năng định, cơ sở đào tạo, huấn luyện nhân viên bảo đảm hoạt động bay. Vì vậy để đảm bảo tính pháp lý khi triển khai thực hiện, đồng thời đáp ứng yêu cầu ICAO, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bổ sung thêm đối tượng giám sát viên an toàn hoạt động bay lĩnh vực Cấp giấy phép, năng định cho nhân viên ANS; cấp giấy phép cho cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không lĩnh vực ANS (ANS PEL Licensing).
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 263 Thông tư số 19/2017/TT-BGTVT như sau:
Giám sát viên an toàn hoạt động bay là công dân Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 2 dưới đây và được Cục Hàng không Việt Nam cấp thẻ giám sát viên để thực hiện nhiệm vụ, bao gồm một hoặc các lĩnh vực cụ thể sau:
a) Quản lý hoạt động bay (AN);
b) ATM;
c) CNS;
d) Khí tượng hàng không (MET);
đ) Thông báo tin tức hàng không (AIS);
e) Tìm kiếm, cứu nạn HKDD (SAR);
g) Phương thức bay (PANS-OPS);
h) Bản đồ, sơ đồ hàng không (MAP/CHART); dữ liệu hàng không;
i) Cấp giấy phép, năng định cho nhân viên ANS; cấp giấy phép cho cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không lĩnh vực ANS (ANS PEL Licensing).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.