Doanh nghiệp

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Doanh nghiệp lên tiếng 'kể khổ'

Huy Hoàng 08/08/2024 20:57

Tổng Giám đốc công ty Thương mại Sabeco: "Việc đề xuất tăng thuế liên tục đến năm 2030, với mức thuế lên đến 90-100%, thực sự là cú sốc lớn".

Sáng ngày 8/8/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đã đưa ra đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế đối với một số mặt hàng nhất định.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng rượu và bia, khiến ngành đồ uống phải đối mặt với những thay đổi đáng kể về chính sách thuế.

Đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên: Phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.

Đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ: Phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 40%, 45%, 50%, 55%, 60% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.

Đối với mặt hàng bia: Phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Doanh nghiệp lên tiếng 'kể khổ'
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA)

Trình bày tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), nhấn mạnh rằng ngành đồ uống luôn tuân thủ nghiêm ngặt và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ pháp luật, đặc biệt là về thuế.

Trong những năm gần đây, ngành đồ uống phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ cả trong nước và thế giới, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực tìm cách vượt qua "nghịch cảnh" bằng nhiều giải pháp nhằm tăng cường sức chống chịu và duy trì sản xuất ổn định. Hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang gặp nhiều khó khăn, với các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận đều giảm sút đáng kể, từ 1 đến 2 con số.

Ông Việt cho rằng báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo chỉ tập trung vào con số tăng thu ngân sách mà chưa đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng như: Doanh nghiệp giảm sản lượng, doanh thu bao nhiêu, ảnh hưởng tới lao động và an sinh xã hội như thế nào, tác động đến các ngành hàng liên quan trong chuỗi cung ứng và dịch vụ ra sao.

"Chúng tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước về việc tăng thuế. Tuy nhiên, hai phương án do Ban soạn thảo đề xuất cần được xem xét và đánh giá cẩn trọng. Cần có lộ trình hợp lý, xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế tại Việt Nam", ông Việt nhấn mạnh.

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Doanh nghiệp lên tiếng 'kể khổ'
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại SABECO, cho biết rằng dự thảo luật sẽ tác động đáng kể đến cung - cầu và sản lượng tiêu thụ. Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế rất nhanh và trong thời gian ngắn khiến SABECO nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành đồ uống nói riêng rất lo lắng. Sau giai đoạn khó khăn do Covid-19, các doanh nghiệp lại đối mặt với biến động kinh tế toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng và sự suy giảm sức mua mạnh. Đồng thời, việc áp dụng Nghị định 100 đã ảnh hưởng mạnh đến tiêu dùng, thậm chí thay đổi thói quen của người Việt về sử dụng đồ uống có cồn.

"Việc đề xuất tăng thuế liên tục đến năm 2030, với mức thuế lên đến 90-100%, thực sự là cú sốc lớn. Doanh nghiệp không nhìn thấy triển vọng phục hồi rõ ràng trong những năm tới. Việc tăng thuế có thể khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, phải đóng cửa, gây tổn thất lớn đến việc làm và ảnh hưởng đến an sinh xã hội", ông Giang nói.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng việc tăng thuế TTĐB có thể tăng thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng sẽ giảm sức cầu tiêu dùng, doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp trong trung và dài hạn. Qua đó, giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, nên tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ.

Trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ Tài chính cũng đã nhận được nhiều góp ý từ các Bộ ngành và địa phương về hai phương án tăng thuế đối với mặt hàng rượu bia. Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, và nhiều địa phương như Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Vĩnh Long, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Phú Yên, cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều nhất trí theo phương án 2.

>>Bộ Tài chính 'lắc đầu' trước đề xuất về thuế hỗn hợp của hãng bia cao cấp Heineken

Chuyên gia: Tăng thuế, rượu thủ công và nhập lậu sẽ càng 'lấn sân'

Ngành nước giải khát trước “cú sốc” tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-xuat-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-ruou-bia-doanh-nghiep-len-tieng-ke-kho-244738.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Doanh nghiệp lên tiếng 'kể khổ'
    POWERED BY ONECMS & INTECH