Bộ Tài chính 'lắc đầu' trước đề xuất về thuế hỗn hợp của hãng bia cao cấp Heineken
Bộ Tài chính mới đây đã có phản hồi về đề xuất thuế hỗn hợp trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt của Heineken.
Trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt mới nhất, Bộ Tài chính Việt Nam đã không tính đến đề xuất tính thuế hỗn hợp đối với bia của Heineken.
Thông thường, có 3 phương pháp đánh thuế chủ yếu: Thuế tương đối, áp dụng theo tỷ lệ phần trăm (như doanh thu); thuế tuyệt đối, áp dụng mức thu cố định (như theo đơn vị sản phẩm); và thuế hỗn hợp, kết hợp cả thuế tương đối và thuế tuyệt đối.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị không áp dụng thuế hỗn hợp đối với bia, mà tiếp tục áp dụng phương pháp tính thuế hiện tại là thuế tương đối (thuế theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán ra). Các đơn vị nêu ý kiến bao gồm Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE), Sabeco, Habeco...
Các đơn vị này giải thích rằng phương pháp tính thuế hiện tại phù hợp với đặc thù thị trường bia trong nước, với 80% thị phần là bia phổ thông và bia địa phương giá thấp, trong khi có sự chênh lệch lớn giữa giá bán sản phẩm bia cao cấp, cận cao cấp và phổ thông.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, giá bán bia phổ thông thấp hơn nhiều so với sản phẩm cao cấp, nên đề xuất thuế hỗn hợp (tức thu thêm một khoản thuế cố định trên mỗi đơn vị sản phẩm) sẽ tạo áp lực lớn đối với sản phẩm giá thấp.
Điều này sẽ dẫn đến mức tăng giá bán sản phẩm phổ thông nhiều hơn đáng kể so với mức tăng của sản phẩm cao cấp. Do đó, sản phẩm cao cấp với giá cao có thể thay thế chiếm lĩnh thị trường, gây áp lực tới các sản phẩm bình dân, ảnh hưởng tới sản xuất và việc làm, Bộ Tài chính nêu ý kiến về đề xuất thuế của Heineken Việt Nam.
Vì vậy, phương pháp tính thuế hỗn hợp hay bổ sung thuế tuyệt đối đối với mặt hàng bia chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay, theo ý kiến của Bộ Tài chính.
Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đưa ra các phương án và lộ trình tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia. Đối với mặt hàng bia, phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 2 vì phương án này có tác dụng tăng giá, giảm khả năng chi trả các sản phẩm mạnh hơn, và có tác động cao hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu bia và các tác hại liên quan đến việc sử dụng rượu bia.
Liên quan đến doanh nghiệp, mới đây, Heineken Việt Nam công bố việc bổ nhiệm ông Wietse Mutters vào vị trí Tổng Giám đốc Điều hành (CEO), thay thế ông Alexander Koch, người sẽ đảm nhận vai trò CEO Heineken Italy từ tháng 8/2024.
>> Heineken 'rục rịch' đón nhà máy bia hơn 550 triệu USD sau khi đóng cửa tại Quảng Nam
Khánh Hòa chi 1.300 tỷ xây dựng tuyến đường mới, tạo quỹ đất phát triển đô thị
Hậu đóng cửa nhà máy tại Quảng Nam: Heineken Việt Nam bất ngờ thay Tổng Giám đốc