Chứng khoán

'Deal' lại con số 46% thuế quan Trump áp cho Việt Nam

Quốc Trung 03/04/2025 14:03

VN-Index kết phiên sáng 3/4 giảm hơn 82 điểm về 1.235 điểm. Sàn HoSE khớp lệnh 31.200 tỷ đồng với 211 mã giả sàn. Cú sốc diễn ra ngay sau thông tin thuế quan từ Nhà Trắng. Giới phân tích nói gì về diễn biến này?

Rạng sáng ngày 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Theo công bố ban đầu, mức thuế cơ bản là 10%, song một số quốc gia bị áp mức cao hơn – trong đó Việt Nam được đề cập với mức thuế 46%, dự kiến có hiệu lực từ ngày 5/4. Mức thuế này khiến thị trường và nhà đầu tư trong nước đặc biệt chú ý.

Trong bối cảnh thông tin chưa được xác nhận chính thức từ các kênh truyền thông nhà nước, nhiều chuyên gia khuyến nghị tiếp cận vấn đề này một cách tỉnh táo, trên cơ sở phân tích và chờ đợi thêm diễn biến thực tế từ các vòng đàm phán thương mại song phương.

46% là con số gây sốc nhưng chưa thể khẳng định là thực thi

TS Bùi Lê Minh – Giảng viên Khoa Tài chính, Đại học FPT – cho rằng mức thuế 46% được nhắc tới có thể mang tính định hướng đàm phán nhiều hơn là một biện pháp đã hoàn toàn chốt áp dụng.

"Con số 46% có thể chỉ là mức trần. Vì bản chất con số 90% Việt Nam đánh thuế cũng mang tính chất rất hình thức. Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là 136,6 tỷ USD, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 13,1 tỷ USD. Nếu lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là 123,5 USD chia cho 136,6 là ra 90%".

>> Phiên 3/4: 29 cổ phiếu VN30 giảm sàn, chỉ một mã thoát nạn

'Deal' lại chính sách thuế quan Mỹ: Việt Nam có nhiều cơ sở
Việt Nam nằm trong nhóm đầu bị áp thuế

Với phong cách đàm phán vốn quá nổi tiếng từ Tổng thống Trump, tôi tin rằng phái đoàn thương mại của chúng ta cũng sẽ đưa ra những đề xuất hợp lý, có lợi cho cả hai bên. Việc chúng ta giảm thuế cho các mặt hàng của Mỹ ngày 31/3 đã cho thấy những thiện chí. Bản thân Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Scott Bessent cũng kêu gọi các nước không áp thuế trả đũa ngay lập tức mà chờ đợi các vòng đàm phán.

TS Minh cũng nhấn mạnh, trong quá trình phát biểu công khai, ông Trump vẫn thể hiện quan điểm tích cực đối với Việt Nam, gọi Việt Nam là "những người đàm phán tuyệt vời" và điều này cho thấy cửa đàm phán vẫn rộng mở. Ông cũng cho rằng thiện chí của Việt Nam, như việc giảm thuế với một số mặt hàng từ Mỹ gần đây, là một phần trong nỗ lực cân bằng thương mại và có thể tạo tiền đề cho những điều chỉnh có lợi trong thời gian tới.

Về tác động thực tế nếu thuế được áp dụng, TS Minh nhận định dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) có thể bị ảnh hưởng, khi một số doanh nghiệp sẽ cân nhắc lại việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong ngắn hạn. Đồng thời, nếu cần tăng nhập khẩu từ Mỹ để giảm thâm hụt thương mại, dự trữ ngoại hối có thể chịu thêm áp lực.

Về dài hạn, ông lưu ý đến xu hướng tự động hóa, AI và thuế tối thiểu toàn cầu, những yếu tố có thể làm thay đổi chiến lược sản xuất toàn cầu – trong đó Việt Nam cần sớm điều chỉnh định hướng phát triển, tăng tỷ trọng ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật và kỹ năng cao.

“Đã đến lúc cần nhìn xa hơn, chuyển dịch sang dịch vụ, công nghệ và các lĩnh vực phù hợp xu hướng, thay vì phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động và vốn truyền thống”, TS Bùi Lê Minh khuyến nghị.

Chứng khoán: Tác động ngắn hạn là có, nhưng cần đánh giá thận trọng

Với góc nhìn từ thị trường tài chính, ông Nghiêm Quang Duy – Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS – cho rằng, thông tin về thuế suất cao gây dao động mạnh trên thị trường là điều dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh margin cao, kỳ vọng đang ở vùng tích cực và tâm lý nhạy cảm với các biến động quốc tế của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng Việt Nam hiện là đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ; yếu tố nguồn gốc hàng hóa – đặc biệt là hàng hóa có liên quan đến nguyên liệu từ nước thứ ba – cần được làm rõ trước khi kết luận mức độ tác động thực sự.

z6469095443120_b4594d7218eaf64c5cc62543fc0c6df9.jpg
VN-Index kết phiên sáng 3/4 giảm hơn 82 điểm về 1.235 điểm. Sàn HoSE khớp lệnh 31.200 tỷ đồng với 211 mã giả sàn (Trong ảnh: TS Bùi Lê Minh và ông Nghiêm Quang Duy)

“Một số nhóm như dệt may có thể chịu ảnh hưởng vì nhập sợi từ nước ngoài nhưng đa số sản phẩm gỗ, thủy sản là sản phẩm nội địa nên mức tác động cần đánh giá cụ thể hơn. Chính sách này sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến nhóm hàng FDI và có thể chỉ tạo ra dao động nhất thời trong một vài quý, chứ chưa thể khẳng định là thay đổi dài hạn".

Cả hai chuyên gia đều cho rằng, thời điểm này nhà đầu tư nên hạn chế các hành động cảm tính. Thay vào đó, nên theo dõi sát các tín hiệu từ cơ quan chức năng, phân tích kỹ từng nhóm ngành để có phản ứng phù hợp.

Theo ông Duy, nếu thuế thực sự được thực thi, cần đánh giá lại triển vọng xuất khẩu, tỷ trọng đóng góp vào GDP và năng lực chống chịu của từng ngành. Nhưng nếu là một phần trong chiến thuật đàm phán, nhà đầu tư nên tránh hoảng loạn.

Năm 2025 được nhận định là giai đoạn nhiều biến số khó đoán, đặc biệt trong chính sách thương mại toàn cầu. Với thông tin chưa được xác nhận chính thức, các góc nhìn thận trọng và linh hoạt trong đầu tư vẫn là lời khuyên chung.

>> Góc nhìn chuyên gia: Chứng khoán đỏ lửa sau tin nóng, NĐT cần hành động như thế nào?

Chứng khoán Việt Nam thiết lập nhiều kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày 3/4

VN-Index giảm sốc gần 50 điểm sau tin Trump áp thuế, chuyên gia nói nhà đầu tư cần đứng vững trong 1-2 tuần tới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/deal-lai-con-so-46-thue-quan-trump-ap-cho-viet-nam-285593.html&link=autochanger
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Deal' lại con số 46% thuế quan Trump áp cho Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH