Để vào được đền, du khách phải đi qua con đèo có độ dốc thoai thoải với gần 100 bậc thang lên xuống.
Ninh Bình là tỉnh nằm ở cửa ngõ phía nam miền Bắc nước ta, xưa kia là kinh đô của Việt Nam giai đoạn từ năm 968 đến năm 1010 với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý và cũng là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử. Vì vậy, nơi đây có nhiều địa điểm tâm linh thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái.
Đặc biệt, huyện Gia Viễn là vùng đất "sinh vương, sinh thánh"; nơi đã sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng và thánh Nguyễn Minh Không. Gia Viễn còn có nhiều danh nhân tiêu biểu khác như: Tể tướng Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thượng thư Trịnh Tú, Thái sư Lưu Cơ thời nhà Đinh và thái sư Trương Bá Ngọc thời Lý.
Trên địa bàn huyện Gia Viễn hiện có 279 di tích lịch sử văn hóa như: Động Hoa Lư, động Địch Lộng, chùa Bái Đính, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương, đền Đức Thánh Nguyễn, suối nước nóng Kênh Gà, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long,....Và sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua đền Thung Lá, một trong những điểm di tích lịch sử linh thiêng du khách nên đến thưởng ngoạn và chiêm bái khi về Gia Viễn nói riêng và Ninh Bình nói chung.
Đền Thung Lá nằm cạnh động Hoa Lư, thuộc địa phận xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, có diện tích khoảng 4ha. Nơi đây nằm trong một thung lũng khá sâu, được bao quanh bởi 5 ngọn núi lớn, trước mặt là hồ sen rộng tỏa hương thơm ngát.
Đền là nơi thờ Mẫu Hậu của vua Đinh Tiên Hoàng và thờ Vương Bà bí ẩn đã có nhiều công lao giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân. Tương truyền, xưa kia có một Vương Bà là người bói lá rất giỏi và thường xem bói lá cho vua Đinh Tiên Hoàng trước khi xuất quân, có công lao giúp vua Đinh dẹp loạn.
Nơi này cũng có nhiều cây thuốc chữa bệnh tốt nên khi nghĩa quân vua Đinh bị thương đều được đưa từ Thung Lau về Thung Lá chữa trị qua một ngọn đồi nhỏ. Người ta cũng kể rằng: Thung Lá là vùng rừng thiêng nên mọi người thường vào đây thắp hương trước khi đi rừng.
Để vào được đền, du khách đi qua ngọn đồi nhỏ có độ dốc thoai thoải với gần 100 bậc thang lên xuống. Phía trước đền có giếng nước, miệng giếng được làm bằng đá xanh chạm khắc nhiều hình như: rồng, rùa, chim, hoa cúc,… tiếp đó là bức bình phong bằng đá có hình cuốn thư, trên đỉnh đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt.
Đền Thung Lá có kiến trúc kiểu "Tiền nhị, hậu Đinh". Tiền bái ba gian mở ra ba cửa, không có hiên, trên đắp lưỡng long chầu nguyệt, phía sau thông với hậu cung. Qua sân gạch là Nhà Tiền tế gồm 5 gian, mái được lợp bằng ngói, bên trong có ban thờ Trần Triều.
Bên trong Hậu cung phía trước thờ Công đồng các Quan, tiếp đó là tượng Quốc mẫu Anh linh được đặt trong khám sơn son thiếp vàng, nét mặt hiền từ phúc hậu, gần gũi mà huyền bí linh thiêng. Trên cùng là ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Tam Thoải Phủ), đây là các nhân vật trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt xưa.
Bên tay phải trong Hậu cung thờ các Quan, bên tay trái thờ Chúa Thượng Ngàn. Phía bên ngoài giáp núi có cung Sơn Trang (hay còn gọi là Động Sơn Trang).
Lễ hội đền Thung Lá được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đến tham quan và chiêm bái đền Thung Lá, du khách nên đến thăm Thung Lau, đây là nơi gắn liền với thời gian trưởng thành của Đinh Bộ Lĩnh. Đến đây là dịp được nhìn lại lịch sử ở thế kỷ thứ X, khi Đinh Bộ Lĩnh tập hợp, luyện tập quân sĩ, sau đó lực lượng vũ trang của Đinh Bộ Lĩnh ngày càng lớn mạnh, chiếm giữ cả một vùng quê Hoa Lư để đến cuối năm 967, dẹp yên và thu phục được 12 sứ quân, năm 968 lên ngôi Hoàng đế.