Đến cuối quý 1/2023, Hàng không ACV là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn thứ 3 trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù vậy từ năm 2019 trở lại đây, cổ đông ACV vẫn chưa được nhận cổ tức.
Sáng 9/5, ĐHCĐ thường niên 2023 của Tổng CTCP Cảng Hàng không Việt Nam (Mã ACV - UPCoM) đã được tổ chức trực tuyến nhằm thông qua một số vấn đề quan trọng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, ACV đặt chỉ tiêu phục vụ 118 triệu lượt khách - tăng 19,2% so với cùng kỳ (bao gồm 86 triệu lượt khách nội địa và 32 triệu lượt khác quốc tế) - tương ứng doanh thu tăng 22% YoY lên 19.360 tỷ đồng và lãi trước thuế 8.488 tỷ - tăng tương 12% so với thực hiện 2022.
Trong quý 1/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần 4.728 tỷ đồng - gấp 2,24 lần cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 2.031 tỷ; lãi ròng ở mức 1.636 tỷ đồng - tăng 87% YoY. Với kết quả này, ACV đã thực hiện được 26% kế hoạch doanh thu và 19% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Trước đó năm 2022, Hàng không ACV ghi nhận doanh thu 13.900 tỷ đồng - gấp gần 4 lần năm 2021; lợi nhuận sau thuế tăng 800% lên mức 7.090 tỷ đồng.
Trong phần chất vấn tại Đại hội, cổ đông hỏi "bao giờ công ty có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE?
Trả lời, Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt cho biết: "ACV sẽ niêm yết lên HOSE khi đã đáp ứng các điều kiện. Hiện nay báo cáo tài chính của chúng ta vẫn còn các ý kiến kiểm toán về quyết toán cổ phần hóa và tài sản khu bay. Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng trước khi niêm yết trên sàn HOSE để đảm bảo lợi ích cho các cổ đông".
Tổng Giám đốc ACV - Vũ Thế Phiệt |
Cần nhấn mạnh rằng dù sở hữu lượng tiền mặt thuộc top đầu thì trường song đã từ năm 2019 đến nay, cổ đông ACV vẫn chưa một lần được nhận cổ tức. Theo đó tại Đại hội, phía công ty cũng cho biết đang xin ý kiến chia cổ tức các năm 2019 - 2022 bằng cổ phiếu.
Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của ACV đạt gần 60.000 tỷ đồng trong đó tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn hơn 31.100 tỷ đồng giúp công ty thu về 409 tỷ đồng lãi tiền gửi trong quý 1.
Đến cuối quý 1, ACV là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt nhiều thứ 3 trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau GAS và HPG (cùng vượt ngưỡng 35.000 tỷ) song xếp trên hàng loạt tên tuổi khác như BSR, VIC, SAB, MWG, VNM, MSN, FPT, VEAM
Ở chiều ngược lại, nợ phải trả của ACV giảm gần 9% so với đầu năm về mức 14.905 tỷ ( 79% là vay nợ tài chính). Do phần lớn trong cơ cấu nợ tài chính là vay bằng đồng Yên Nhật nên công ty bất ngờ chịu khoản lỗ tỷ giá tới 771 tỷ đồng trong khi cùng kỳ gần như không ghi nhận.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 của ACV |
Khoản phải thu ngắn hạn đến cuối tháng 3/2023 của Hàng không ACV tăng lên mức 7.256 tỷ đồng trong đó giá trị trích lập dự phòng tăng lên mức 1.517 tỷ so với đầu năm. Đáng nói, đây đã là mức tăng trích lập quý thứ 4 liên tiếp của tổng công ty kể từ con số 519 tỷ đồng hồi quý 1/2022.
Liên quan đến vấn đề này, tại Đại hội, cổ đông hỏi nợ xấu tăng nhanh năm 2022, ACV có biện pháp gì để xử lý?
Ông Vũ Thế Phiệt cho biết: "Trước đại dịch, ACV hầu như không có nợ xấu nhưng dưới sức ảnh hưởng của COVID-19 (đặc biệt là giai đoạn 2020 - 2021), các hãng hàng không chịu tác động rất lớn nên công ty có chính sách chia sẻ chung.
Hiện nay, hoạt động bay đã trở lại, ACV đang có kế hoạch thu hồi nợ và các hãng hàng không cũng đang có các đề xuất để có thể vừa chia sẻ với nhau vừa thu hồi được công nợ nhanh nhất từ đó đảm bảo lành mạnh tài chính cũng như nuôi dưỡng nguồn thu cho ACV, tạo điều kiện để các hãng phát triển.
ACV sẽ có chính sách giãn, hoãn, khoanh lại nợ cũ với thời gian trả nợ hợp lý nhưng doanh thu mới thì công ty kiên quyết thu đúng, thu đủ. Hy vọng hết năm nay, nợ xấu sẽ giảm dần và công ty sẽ làm sao để không phát sinh nợ mới, đồng thời có lộ trình thanh toán nợ cũ phù hợp.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 của ACV |
Trước đó ngay phần mở đầu, ông Vũ Thế Phiệt nhấn mạnh: "Khách quốc tế vẫn phục hồi chậm, trong đó một số thị trường hành khách lớn như Trung Quốc, chưa mở cửa trong năm 2022.
Mặc dù Nhà nước và ACV đã có những chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không, nhưng các hãng vẫn còn khó khăn. Điều này ảnh hưởng tới việc trả nợ cho ACV".
Kỳ vọng hồi phục sau đại dịch, Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) dự lãi 2.500 tỷ đồng năm 2022
Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đem về hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2022