Năm 2023, LPB lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 310 tỷ so với năm 2022, tức tăng trưởng 5,4%.
Chiều 23/4, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã chứng khoán: LPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tại Ninh Bình với nhiều kế hoạch quan trọng được trình tới các cổ đông như mục tiêu kinh doanh năm 2023, đổi tên viết tắt, tăng vốn điều lệ, bầu Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát mới,...
Tính đến 14h10, số cổ đông tham dự đại hội là 330 người, tương đương sở hữu 66,65% số cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng.
Báo cáo tại đại hội, Chủ tịch HĐQT LPB – ông Nguyễn Đức Thuỵ cho biết năm 2022, ngân hàng đã hoàn thành được nhiều chỉ tiêu mà cổ đông giao, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2021, vượt 19% kế hoạch. Ngân hàng tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định của NHNN.
Mục tiêu lợi nhuận 6.000 tỷ đồng
Năm 2023, LPB lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 310 tỷ so với năm 2022, tức tăng trưởng 5,4%.
Tổng tài sản dự kiến đạt 375.000 tỷ đồng, tăng 14,4%; Huy động thị trường 1 đạt 295.740 tỷ đồng, tăng 17,8%; Tín dụng thị trường 1 đạt 273.490 tỷ đồng, tăng 16%.
Kế hoạch tăng trưởng tín dụng có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Mua lại tòa nhà văn phòng Thaiholdings Tower trên khu “đất vàng”
LienVietPostBank dự kiến mua lại tòa nhà văn phòng Thaiholdings Tower làm trụ sở chính.
Ban lãnh đạo LienVietPostBank cho biết từ khi thành lập năm 2008 đến nay, ngân hàng đã nhiều lần phải thay đổi địa điểm trụ sở chính, trong đó phần lớn là tài sản đi thuê với nhiều lần phải điều chỉnh diện tích thuê dẫn đến không ổn định hoạt động, tốn kém nhiều chi phí để cải tạo, sửa chữa.
HĐQT LienVietPostBank trình cổ đông xem xét, phê duyệt, thông qua việc mua/nhận chuyển nhượng tài sản làm văn phòng làm việc cho trụ sở chính tại Tòa nhà Thaiholdings Tower, tọa lạc trên khu “đất vàng” hai mặt tiền số 17 Tông Đản và 210 Trần Quang Khải.
Giá chuyển nhượng sẽ được xác định tối đa theo giá trị định giá của một công ty thẩm định giá độc lập và căn cứ kết quả đàm phán giữa ngân hàng với đối tác.
Việc VNPost thoái vốn sẽ ảnh hưởng thế nào tới hoạt động của ngân hàng trong thời gian tới?
Phó TGĐ Bùi Thái Hà chia sẻ, mức giá khởi điểm mà VNPost chào bán cổ phiếu LPB là gần 23.000 đồng/cp trong khi giá thị trường hiện nay chỉ khoảng 14.000 đồng/cp.
Do đó, sự chênh lệch giá này là một trong những nguyên nhân khiến việc thoái vốn không thành công.
Theo quy định của Nhà nước, các DNNN phải thực hiện thoái vốn đầu tư các DN ngoài ngành. LienVietPostBank không thể can thiệm và tác động gì trong quá trình thoái vốn của VNPost.
Trước đó, VNPost và LienVietPostBank thực hiện ký thoả thuận hợp tác toàn diện 50 năm. Nếu trong trường hợp VNPost thoái vốn thành công thì sẽ không ảnh hưởng gì đến thoả thuận hợp tác giữa hai bên.
Phát hành 10 triệu cổ phiếu ESPOP, 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài
ĐHCĐ thông qua kế hoạch 2023 với phương án tăng vốn điều lệ lên 28.676 tỉ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu.
Bao gồm: phát hành cho Cổ đông hiện hữu 500 triệu cổ phiếu (5.000 tỉ đồng), phát hành 10 triệu cổ phiếu (100 tỉ đồng) theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu (3.000 tỉ) cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỉ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng lên 15,5%.
Đặc biệt, LienVietPostBank sẽ chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu lên tới 19% từ việc phát hành 329 triệu cổ phiếu (3.285 tỉ đồng).
LienVietPostBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 là 6.000 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2022.