Năm nay, VietinBank dự kiến lợi nhuận tăng 10-15%, tuy nhiên đang xin phê duyệt chính thức từ Ngân hàng Nhà nước.
Sáng hôm nay (21/4), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, Mã chứng khoán: CTG) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Kết quả kinh doanh quý 1/2023
Tại đại hội, ông Trần Minh Bình – Chủ tịch HĐQT đã có những chia sẻ về kết quả kinh doanh chính trong quý 1/2023 của VietinBank.
Cụ thể, năm 2023, thị trường chung vẫn còn xấu, tình hình vĩ mô toàn cầu nhiều biến động khó lường. Việc tăng, giảm lãi suất của FED vẫn còn khó đoán, chưa có kịch bản rõ ràng.
Tính đến hết quý 1/2023, tổng tài sản tăng 0,9%, đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng trưởng 4,6%. VietinBank thuộc một trong các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt nhất. Các nhóm khách hàng tập trung của ngân hàng gồm SME, FDI, DN nhà nước lớn.
"Chúng tôi rất chắt chiu nguồn vốn, cố gắng tăng trưởng vốn giá rẻ. Tín dụng có thể tăng trưởng không cao nhưng phải luôn đảm bảo an toàn hiệu quả để đảm bảo tỷ lệ thanh khoản", ông Bình chia sẻ.
Nhìn chung kết quả kinh doanh quý 1 của VietinBank đạt và vượt kế hoạch. Năm nay, VietinBank dự kiến lợi nhuận tăng 10-15%, tuy nhiên đang xin phê duyệt chính thức từ Ngân hàng Nhà nước.
Ông Trần Văn Tần - Thành viên HĐQT chia sẻ, tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong quý 1 năm nay rất thấp nhưng tín dụng tại VietinBank là điểm sáng. Tính đến 31/3/2023, dư nợ tín dụng (cả cho vay khách hàng + trái phiếu doanh nghiệp) tăng 4,6%, gần gấp đôi tăng trưởng chung toàn ngành.
Room tín dụng mà VietinBank được cấp năm 2022 là 12,47% và năm 2023 trong giai đoạn đầu là 8,7%.
Ông Lê Thanh Tùng - Thành viên HĐQT cho hay, tỷ lệ nợ xấu hiện tại cuối quý chỉ 1,28%, duy trì ở mức tốt. Chí phí rủi ro tín dụng khoảng 6.700 tỷ đồng.
Mọi hoạt động quản trị rủi ro tín dụng đang được tăng cường. Chủ trương của VietinBank là thận trọng, trích lập dự phòng đầy đủ, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Đối với tình hình chuyển nợ của doanh nghiệp, ngân hàng đang kiểm soát chặt chẽ, dư nợ chuyển CIC không có biến động lớn trong quý 1.
Dùng 12.330 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu
VietinBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ, thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016.
Cụ thể, ngân hàng sẽ dùng 12.330 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu, khối lượng phát hành hơn 1,2 tỷ đơn vị.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VietinBank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng nhưng chưa được hoàn tất. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2020.
Do đó, trong năm nay, nếu tại thời điểm phát hành, vốn điều lệ VietinBank vẫn đang ở mức 48.058 tỷ đồng thì tỷ lệ chia cổ tức tương đương với 25,66%. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên 60.387 tỷ đồng.
Trường hợp tại thời điểm phát hành, ngân hàng đã hoàn tất việc tăng vốn lên 53.700 tỷ, thì tỷ lệ chia cổ tức là 22,96%. Vốn điều lệ sau khi phát hành thành công là 66.030 tỷ đồng.
Thời gian hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại giấy phép/chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Bầu bổ sung thành viên HĐQT
Tại Đại hội, HĐQT cũng trình cổ đông việc miễn nhiệm và bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.
Theo đó, ngân hàng miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Masahiko Oki theo đề nghị của MUFG từ ngày 2/6/2023.
Đồng thời, bầu ông Koji Iriguchi tham gia HĐQT từ 2/6. Ông Koji Iriguchi hiện là Đồng Trưởng phòng Kế hoạch và Quản trị tài chính, Khối tài chính kiêm Đồng Trưởng ban chiến lược và quản trị thay đổi, Văn phòng HĐQT VietinBank.
Từ 1/1/2025, tài khoản doanh nghiệp tại VietinBank sẽ bị đóng băng nếu chưa cập nhật thông tin sau
Một cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng 13%