Doanh nghiệp

Chuyên đi xử lý nợ của các doanh nghiệp, DATC làm ăn ra sao?

Hồ Nga 06/01/2025 - 07:46

DATC đang sở hữu một danh mục hối phiếu và trái phiếu lên đến hơn 23.000 tỷ đồng, gần gấp 4 lần so với vốn điều lệ.

Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC), tiền thân là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, được thành lập vào năm 2003 và bắt đầu đi vào hoạt động từ 1/1/2004. Trải qua 20 năm hoạt động, DATC đã đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng của các doanh nghiệp, giúp thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi các doanh nghiệp Nhà nước.

Từ khi thành lập, DATC được giao nhiệm vụ xử lý các khoản nợ tồn đọng, tài sản không sử dụng được, vật tư ứ đọng, và các tài sản kém chất lượng. Với slogan hoạt động “Khi bạn khó, có DATC”, Công ty mua bán nợ Việt Nam được xem như một “bà đỡ”, sẵn sàng giúp đỡ doanh nghiệp khi khó. DATC đang mang trong mình ‘sứ mệnh’ lớn, nhằm góp phần lành mạnh hóa doanh nghiệp và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu gắn với chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch của Chính phủ.

Nhiệm vụ đặc biệt đầu tiên của DATC được Chính phủ giao, là mua và xử lý nợ xấu của 2 ngân hàng, gồm Ngân hàng TMCP Việt Hoa và Ngân hàng Eximbank (EIB). Từ đó đến nay, công ty đã xử lý hơn 90.000 tỷ đồng nợ và tài sản, đồng thời tiếp nhận và xử lý nợ cho hơn 2.700 doanh nghiệp Nhà nước với tổng tài sản hơn 6.300 tỷ đồng.

Trong suốt hành trình này, DATC cũng đã hỗ trợ tái cấu trúc, phục hồi kinh doanh cho hơn 3.000 doanh nghiệp và khoảng 30 Tổng công ty Nhà nước. Công ty cũng đã thành công trong việc mua bán tài sản và xử lý nợ, giúp các doanh nghiệp trở lại hoạt động ổn định.

h536
Ảnh trụ sở DATC

>> DATC bị giám sát tài chính - góc nhìn từ 22.300 tỷ đồng phải trả với hối phiếu, trái phiếu

DATC lãi đều đặn hàng trăm tỷ mỗi năm

Về kết quả kinh doanh, DATC đã ghi nhận doanh thu 2.300 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 35,5% so với năm trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm 27,5%, đạt 189 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Nửa đầu năm 2024, doanh thu của DATC tiếp tục tăng mạnh, đạt 1.852 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 20%, chỉ đạt 59 tỷ đồng, chủ yếu do giảm mạnh doanh thu tài chính.

Từ nhiều năm nay, DATC luôn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định với số lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Thời “hoàng kim” là những năm 2016, 2017 khi lợi nhuận công ty vượt lên trên 300 tỷ đồng. Trong năm 2023, doanh thu từ hoạt động mua bán và xử lý nợ đã đạt mức vượt 25% so với kế hoạch.

h536
Kết quả kinh doanh của DATC qua các năm

>> Công ty DATC thông tin việc bị “hiểu lầm” liên quan đến Vạn Thịnh Phát

Hiệu suất làm việc của DATC rất đáng chú ý. Số liệu báo cáo về tình hình xử lý nợ và tài sản tồn đọng trong năm 2023 cho thấy, doanh nghiệp đã tiếp nhận, thu mua, nhận bàn giao thêm các khoản nợ có tổng giá trị hơn 1.700 tỷ đồng. Còn số tài sản đã xử lý trong năm lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.

Với những thành công đáng ghi nhận, DATC cũng chú trọng đến phúc lợi của người lao động. Tổng chi trả cho người lao động trong năm 2023 là hơn 57,3 tỷ đồng, tăng so với 55,6 tỷ đồng trong năm 2022. Với 208 nhân viên, bình quân mỗi lao động tại DATC nhận được hơn 275 triệu đồng mỗi năm, tương đương 23 triệu đồng mỗi tháng. Đây là mức thu nhập cao so với nhiều doanh nghiệp khác.

DATC nhìn từ các khoản trích lập dự phòng hàng trăm tỷ đồng

Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản của DATC đạt khoảng 30.400 tỷ đồng, giảm 1.600 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty đạt hơn 2.561 tỷ đồng, trong đó DATC để hơn 211 tỷ đồng trong quỹ tiền mặt, và 2.350 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng. Ngoài ra, công ty còn 200 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.

Tổng tiền phải thu ngắn hạn hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu theo thỏa thuận 3.240 tỷ đồng. DATC đã trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi số tiền hơn 523 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng giá trị đầu tư tài chính dài hạn của DATC đến cuối quý II/2024 là gần 590 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng 339 tỷ đồng.

Ngoài ra, nợ phải thu mua theo chỉ định hơn 21,5 tỷ đồng – là khoản nợ tại Công ty Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long. DATC cũng đã phải trích lập dự phòng 100% với khoản phải thu mua này.

h536
DATC phải trích lập dự phòng 339 tỷ đồng cho khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác

DATC nhìn từ danh mục hối phiếu, trái phiếu hơn 23.000 tỷ đồng

BCTC 6 tháng đầu năm 2024 của DATC không có chi tiết thuyết minh cho từng chỉ tiêu tài chính, song BCTC kiểm toán năm 2023 có nhiều thông tin thú vị.

Cụ thể, năm 2023, DATC phát sinh khoản trả trước ngắn hạn cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – mã chứng khoán CTG) số tiền 839 tỷ đồng. Điều này đã khiến chỉ tiêu 'trả trước cho người bán ngắn hạn’ trên BCTC năm 2023 tăng từ 58 tỷ đồng đầu năm lên 866 tỷ đồng vào cuối 2023, và còn 862 tỷ đồng cuối quý II/2024.

h536
Nguồn DATC

DATC còn khoản phải thu ngắn hạn khác hơn 8.070 tỷ đồng và phải thu dài hạn hơn 14.939 tỷ đồng. Đây phần lớn là phải thu do phát hành hối phiếu, trái phiếu.

Tổng giá trị danh mục trái phiếu, hối phiếu của DATC hơn 23.000 tỷ đồng, gần gấp 4 lần vốn điều lệ (6.000 tỷ đồng).

h536
Nguồn DATC

Hối phiếu là gì?

Trái phiếu là định nghĩa đã khá quen thuộc với các nhà đầu tư trên thị trường tài chính, đặc biệt là mấy năm gần đây, khi trái phiếu trở thành từ khóa ‘hot’, còn hối phiếu vẫn là một khái niệm khá mới lạ với nhiều người.

Hối phiếu (Bill of exchange, draft) là mệnh lệnh trả tiền vô điều kiện dưới dạng văn bản do một người ký phát (gọi là người ký phát hối phiếu - drawer) cho một người khác (gọi là người thụ tạo - drawee), yêu cầu người này, ngay khi nhìn thấy hối phiếu hoặc vào một ngày cụ thể nhất định hoặc vào một ngày có thể xác định trong tương lai phải trả một số tiền nhất định cho người đó hoặc theo lệnh của người này trả cho người khác hoặc trả cho người cầm phiếu (gọi chung là người được trả tiền - payees).

Hiểu một cách nôm na, hối phiếu là một loại chứng từ chứng nhận vay nợ ngắn hạn. Theo đó, khi nhận được hối phiếu, người đi vay (người phát hành hối phiếu) phải thanh toán khoản nợ cho người cho vay khi đến hạn hoặc ngay lập tức hoặc theo thời hạn định sẵn khi nhận được hối phiếu đòi nợ.

Về cơ bản, hối phiếu hay trái phiếu đều là công cụ ghi nhận nợ. Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng phát hành hối phiếu, trái phiếu để huy động vốn.

Khái niệm hối phiếu hiện đang khá xa lạ, chủ yếu quen thuộc với những người thường tiếp xúc trong ngành. Điểm chung, nó là công cụ doanh nghiệp phát hành ra để đi huy động tiền từ người mua. Điểm khác biệt là hối phiếu được phát hành như một mệnh lệnh trả tiền vô điều kiện. Trên hối phiếu không ghi rõ nội dung vì sao hối phiếu được lập, mà chỉ thể hiện số tiền và các nội dung liên quan việc trả nợ.

>> Cảnh báo hành vi mạo danh Công ty mua bán nợ DATC để lừa đảo

Mai Linh Nha Trang nợ lương, nợ bảo hiểm kéo dài khiến nhân viên nghỉ việc, Giám đốc nói gì?

Thiên Minh Đức nợ thuế 1.085 tỷ đồng, hàng loạt tài sản thế chấp tại BIDV, Vietcombank

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-di-xu-ly-no-cua-cac-doanh-nghiep-datc-lam-an-ra-sao-269778.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên đi xử lý nợ của các doanh nghiệp, DATC làm ăn ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH