Đi ngược đám đông, tỷ phú Đông Nam Á trúng lớn nhờ đặt cược vào nhiên liệu 'bẩn nhất thế giới'
Bất chấp làn sóng từ bỏ than đá của phương Tây, nhiên liệu hóa thạch vẫn đang thống trị các thị trường mới nổi như một động lực phát triển không thể thay thế.
Trong bối cảnh than đá đang bùng nổ trở lại, Low Tuck Kwong, ông trùm 76 tuổi đứng sau đế chế khai thác than khổng lồ của châu Á, đã gặt hái thành công ngoạn mục. Từ mức 1 tỷ USD ban đầu, khối tài sản của vị doanh nhân này đã tăng vọt lên 28 tỷ USD, đưa ông vào top 100 tỷ phú của Forbes - điều tưởng chừng không thể trong thời điểm than đá bị dự báo sẽ sớm "về hưu".
Những thăng trầm mà ông vua than đá phải đối mặt
Hành trình khởi nghiệp của ông Low Tuck Kwong gặp thử thách ngay từ những bước đầu tiên. Năm 1998, khi lô hàng đầu tiên sẵn sàng xuất khẩu cũng là lúc thời kỳ lãnh đạo kéo dài 30 năm của Tổng thống Suharto sụp đổ. Lo ngại bất ổn chính trị, đối tác Nhật Bản từ chối điều tàu nhận hàng, buộc công ty phải tìm kiếm khách hàng mới.
Bất chấp khó khăn, Low vẫn quyết định mua một cảng than ở bờ biển phía đông đảo Borneo cùng năm đó. Trong 15 năm tiếp theo, doanh nghiệp liên tục mở rộng với nhiều mỏ mới, dù phải chấp nhận gánh nặng nợ nần.
Những quyết định mạo hiểm này dường như đi ngược xu thế khi lo ngại về biến đổi khí hậu dẫn đến Hiệp định Paris 2015, đặt dấu hỏi lớn về tương lai ngành than. Đặc biệt, việc Trung Quốc - thị trường tiêu thụ than lớn - chuyển hướng sang năng lượng sạch càng khiến triển vọng ngành này thêm u ám.
'Ngành than đang chịu áp lực cực lớn, chủ yếu từ Trung Quốc', ông Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhận định năm 2015. 'Sự chuyển dịch kinh tế của Trung Quốc cùng các chính sách môi trường toàn cầu, đặc biệt là thỏa thuận Paris, sẽ tiếp tục kìm hãm nhu cầu than'.
Tình hình bi quan đến mức các ngân hàng của Bayan phải thuê cố vấn đánh giá. Kết luận cho rằng việc mở rộng là phi thực tế và sản lượng từ mỏ chính sẽ không thể vượt 15 triệu tấn/năm. Với gánh nặng nợ hơn 500 triệu USD, công ty buộc phải đàm phán với chủ nợ để có thêm thời gian.
Tuy nhiên, thực tế diễn biến ngược với dự báo. Trung Quốc vẫn giữ vững vị thế 'công xưởng thế giới' với nhu cầu điện năng khổng lồ. Ấn Độ và Indonesia đẩy mạnh xây dựng nhà máy nhiệt điện than để phục vụ công nghiệp hóa. Giá than tăng mạnh giúp Bayan phục hồi tài chính vào năm 2018.
'Khai thác than không khó, chỉ cần đào lên từ lòng đất', Giám đốc Tài chính Alastair McLeod chia sẻ. 'Thách thức lớn nhất là vận chuyển đến nơi tiêu thụ'. Với mỏ chính cách bờ biển Borneo 140 dặm, logistics vẫn là bài toán khó của Bayan.
Năm 2019, hạn hán kéo dài khiến mực nước sông - tuyến vận chuyển than chính của Bayan - sụt giảm nghiêm trọng. Trong tình thế cấp bách, ban lãnh đạo công ty thậm chí phải cầu cứu đến pháp sư địa phương, dâng lễ vật gồm trứng và chuối cho thần sông với hy vọng có mưa. Dù mưa cuối cùng đã đến, sự việc này buộc Bayan phải tìm giải pháp căn cơ hơn.
Cú đặt cược táo bạo mang lại "quả ngọt"
Tập đoàn quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường xuyên qua địa hình hiểm trở của miền đông Borneo, kết nối các mỏ với sông Mahakam - con sông đủ sâu để vận hành xà lan ngay cả mùa khô. Để đảm bảo xe tải hai rơ-moóc tải trọng 220 tấn có thể di chuyển, tuyến đường được thiết kế phẳng và thẳng tắp.
Tuy nhiên, địa hình đầm lầy gây ra mối lo ngại về độ lún đường dưới sức nặng của đoàn xe chở than. Để khắc phục, công ty đã lắp đặt hệ thống băng chuyền trên cao cho 5 dặm cuối của tuyến.
Đáng chú ý, tại một trong những khu mỏ chính, đội ngũ kỹ thuật Nhật-Indonesia của Komatsu đang lắp ráp những cỗ máy khổng lồ: xe xúc than cao 23 feet với bánh xe 14 feet. Mỗi chiếc nặng 220 tấn - gấp ba lần xe tăng Abrams, có thể xúc hơn 37 tấn than mỗi lần. Đây mới chỉ là chiếc đầu tiên trong số 6 xe xúc hiện đại đang được triển khai.
'Chúng tôi đang nhân đôi công suất vì tin rằng ngành than còn 30-40 năm phát triển nữa', McLeod, Giám đốc Tài chính Bayan khẳng định. 'Dù nhiều người không đồng tình, nhưng đây là tầm nhìn của chúng tôi'."
Tại Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng đang khiến lượng tiêu thụ than tiếp tục tăng, bất chấp các nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Thực tế này đi ngược lại kỳ vọng cách đây vài năm, khi mức tiêu thụ than tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tạm chững lại.
Các chuyên gia từng dự đoán rằng đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng mặt trời, gió và sự chuyển dịch sang các ngành công nghiệp ít tiêu thụ năng lượng sẽ đánh dấu sự suy giảm nhu cầu than. Tuy nhiên, năm 2021, mức tiêu thụ than của Trung Quốc đã vượt đỉnh năm 2013. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào tháng 12, Trung Quốc tiêu thụ hơn 30% lượng than toàn cầu, vượt xa phần còn lại của thế giới cộng lại.
Tại nhiều quốc gia đang phát triển ở châu Á, than đá vẫn giữ vị thế không thể thay thế. Khu vực này có nguồn cung than dồi dào, trái ngược với sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Than cũng mang lại sự ổn định cho lưới điện nhờ khả năng phát điện liên tục, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết như năng lượng mặt trời, gió hoặc thủy điện. Hạn hán nghiêm trọng tại Trung Quốc trong các năm 2022 và 2023 đã làm giảm sản lượng thủy điện, càng thúc đẩy việc sử dụng than.
Than cũng đóng vai trò cốt lõi trong các ngành công nghiệp trọng điểm. Tại Ấn Độ, than hỗ trợ sản xuất xi măng, phục vụ các dự án hạ tầng lớn. Tại Việt Nam, than cung cấp năng lượng cho các nhà máy, giúp củng cố vị thế của quốc gia này như một trung tâm sản xuất thay thế hàng đầu cho Trung Quốc. Ở Indonesia, ngành công nghiệp niken – chìa khóa sản xuất pin xe điện – cũng dựa vào than để vận hành.
Bên cạnh đó, nhu cầu điện tại châu Á đang gia tăng mạnh mẽ do tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Hàng triệu máy điều hòa nhiệt độ mới được lắp đặt mỗi năm, đặc biệt trong bối cảnh các đợt nắng nóng khắc nghiệt. Đồng thời, sự gia tăng các trung tâm dữ liệu phục vụ trí tuệ nhân tạo và việc chuyển đổi sang xe điện cũng đặt áp lực lớn lên hệ thống lưới điện.
Rory Simington, chuyên gia phân tích than tại Wood Mackenzie, cho biết: "Chúng tôi đã dự báo đỉnh tiêu thụ than ít nhất ba lần. Nhưng đến giờ, điều đó vẫn chưa xảy ra”.
Trái với nhận định của giới chuyên gia về đỉnh tiêu thụ than 8 tỷ tấn năm 2013, con số này đã liên tục bị phá vỡ trong 3 năm qua. Indonesia, quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu than, đang thiết lập kỷ lục mới về sản lượng. Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã phải điều chỉnh dự báo, thừa nhận mức tiêu thụ than toàn cầu sẽ còn tăng đến ít nhất năm 2027, chạm ngưỡng gần 9 tỷ tấn.
Đáng chú ý, trong khi phương Tây kiên quyết "quay lưng" với than đá, các nền kinh tế mới nổi lại đang gia tăng sử dụng nhiên liệu này để thúc đẩy công nghiệp hóa và xóa đói giảm nghèo. Khu vực rộng lớn từ Indonesia, Philippines đến Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan - nơi sinh sống của 30% dân số thế giới - đang chứng kiến tỷ trọng điện than ngày càng tăng trong cơ cấu năng lượng.
Trong khi đó, Vương quốc Anh - cái nôi của cuộc cách mạng công nghiệp với than đá từ hai thế kỷ trước - đã chính thức đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng vào tháng 9 vừa qua.
Sự gia tăng nhu cầu trở lại của than đá đang đe dọa phá vỡ mục tiêu quốc tế về giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C (tương đương 2,7 độ F) so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là cột mốc quan trọng được đặt ra nhằm ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đã được định hình trong hơn một thập kỷ qua, Liên Hợp Quốc cảnh báo vào tháng 10 rằng tỷ trọng than trong sản xuất điện toàn cầu cần giảm mạnh, từ mức 32% năm 2022 xuống chỉ còn 4% vào năm 2030. Các nhà phân tích cho rằng đây là nhiệm vụ gần như bất khả thi trong bối cảnh nhu cầu năng lượng từ than vẫn tăng cao, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.
Theo Wall Street Journal