Thế giới

Di sản khổng lồ của Tổng thống Biden, tầm nhìn Trump - Harris và tương lai của ngành xe điện Mỹ

Nhã San 06/11/2024 15:59

Liệu ngành công nghiệp xe điện của Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hay phải đối mặt với những biến động đáng kể trong tương lai?

10.jpg

Trong bối cảnh cuộc cách mạng xanh đang lan rộng, chính sách xe điện của Tổng thống Biden đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Với những khoản đầu tư hàng tỷ USD và mục tiêu đầy tham vọng như phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện và hỗ trợ sản xuất xe điện trong nước, chính quyền Tổng thống Biden không chỉ hướng đến việc giảm thiểu khí thải carbon mà còn tạo ra hàng triệu việc làm mới cho người lao động.

Tuy nhiên, những cam kết này đang đứng trước thách thức lớn từ những quan điểm trái chiều, đặc biệt khi cựu Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Harris - 2 ứng viên đang chạy đua vào Nhà Trắng - đưa ra những đề xuất chính sách hoàn toàn đối lập. Liệu ngành công nghiệp xe điện của Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hay phải đối mặt với những biến động đáng kể trong tương lai?

asset-5.png

Chính quyền Tổng thống Biden đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất một nửa số ô tô mới bán ra tại Mỹ sẽ là xe điện. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn để phát triển nền kinh tế năng lượng sạch và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tổng thống Biden khẳng định rằng xây dựng một nền kinh tế năng lượng sạch không chỉ có lợi cho ngành công nghiệp mà còn cho người lao động.

Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA), được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành vào tháng 8 năm 2022, đã có tác động sâu rộng đến ngành xe điện tại Mỹ. Đạo luật này cung cấp khoảng 430 tỷ USD để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, trong đó có 260 tỷ USD dưới dạng tín dụng thuế hỗ trợ các công nghệ năng lượng sạch, bao gồm xe điện.

asset-10.png

Trong đó, Mỹ đã phân bổ 7,5 tỷ USD để xây dựng một mạng lưới trạm sạc xe điện trên toàn quốc, hỗ trợ mục tiêu đưa 500.000 trạm sạc vào hoạt động vào năm 2030. Khoản tài trợ này được phân bổ thông qua chương trình Cơ sở Hạ tầng Xe điện Quốc gia (NEVI), với 5 tỷ USD sẽ được sử dụng trong 5 năm để xây dựng trạm sạc dọc theo các tuyến đường chính, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn và hẻo lánh.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng công bố hỗ trợ gần 150 triệu USD nhằm sửa chữa, nâng cấp hoặc thay thế 4.500 trạm sạc xe điện hiện có. Ngoài ra, các bang đã gửi kế hoạch xây dựng trạm sạc của họ và nhận được sự tài trợ để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Mỹ đầu tư 3,5 tỷ USD để mở rộng sản xuất pin trong nước, đánh dấu một bước đi quan trọng trong nỗ lực củng cố chuỗi cung ứng và sản xuất pin nội địa. Số tiền này sẽ được phân bổ cho 25 dự án ở 14 bang, bao gồm những bang quan trọng như Michigan, North Carolina, Ohio, Texas, South Carolina và Louisiana. Các công ty tham gia vào việc sản xuất vật liệu và linh kiện pin, cũng như các công ty tái chế pin, sẽ nhận được khoản tài trợ này với yêu cầu đối ứng 50% từ các công ty.

Khoản tài trợ này là một phần của kế hoạch nhằm xây dựng ngành công nghiệp pin nội địa, đồng thời tăng cường sản xuất và giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Các dự án được hỗ trợ sẽ bao gồm các hoạt động khai thác lithium, than chì và mangan—những thành phần thiết yếu cho sản xuất pin xe điện. Nếu sản xuất trong nước được nâng cao, chi phí cho xe điện có thể giảm đáng kể.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, khoản đầu tư này dự kiến sẽ tạo ra khoảng 12.000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, Jennifer Granholm, nhấn mạnh rằng mục tiêu của chính quyền là không để công nhân ô tô nào bị bỏ lại trong quá trình chuyển đổi này.

Để thúc đẩy người tiêu dùng chuyển từ xe xăng sang xe điện, Chính phủ Mỹ đã tung chính sách giảm thuế lên tới 7.500 USD khi mua xe điện mới và tối đa 4.000 USD cho xe điện đã qua sử dụng.

Sau khi IRA có hiệu lực, đã có 280 dự án năng lượng sạch được công bố trên 44 tiểu bang Mỹ, với tổng vốn đầu tư 282 tỷ USD và dự kiến tạo ra gần 175.000 việc làm. Nhiều khoản đầu tư này tập trung vào sản xuất xe điện và các thành phần liên quan.

asset-6.png

Chính sách xe điện dưới thời Tổng thống Biden đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của ngành ô tô điện tại Mỹ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang phương tiện bền vững và giảm thiểu khí thải carbon. Tuy nhiên, dù ông Trump hay bà Harris lên nắm quyền, tương lai của ngành xe điện Mỹ sẽ đối mặt với những biến động lớn.

Trong bối cảnh tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, Donald Trump đã thể hiện một quan điểm mạnh mẽ chống lại các chính sách thúc đẩy xe điện của chính quyền Tổng thống Biden. Ông tuyên bố sẽ chấm dứt ngay lập tức các quy định hỗ trợ xe điện nếu đắc cử.

Theo ông Trump, việc Chính phủ chi ngân sách liên bang cho các trạm sạc xe điện và các chính sách môi trường là “sự lãng phí” tài chính. Ông cam kết sẽ giảm chi phí năng lượng, phục hồi ngành công nghiệp ô tô truyền thống và ưu tiên các phương tiện chạy bằng xăng, đồng thời hứa sẽ tiếp tục khoan dầu để giảm chi phí cho người tiêu dùng.

Dù vậy, cựu Tổng thống sẽ đối mặt với các quy định của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và Bộ Giao thông Vận tải (DOT) nhằm giảm khí thải giao thông, cùng với các biện pháp hỗ trợ sản xuất xe điện trong khuôn khổ IRA. Bởi lẽ, ông Biden đã thiết lập một hệ sinh thái để giảm một nửa lượng khí thải giao thông vào cuối thập kỷ này, hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện.

Một phần của chính sách xe điện dưới thời Biden còn cho phép bang California thiết lập các quy định khí thải như lệnh cấm xe xăng vào năm 2035. Ông Trump đã phản đối lệnh cấm này có thể tiếp tục nỗ lực loại bỏ nó nếu tái đắc cử.

asset-8.png

Chính quyền Trump cũng có thể xem xét điều chỉnh các khoản tín dụng thuế hỗ trợ sản xuất xe điện và pin trong IRA, mặc dù việc loại bỏ hoàn toàn những ưu đãi này sẽ khó khăn hơn do nhiều dự án nhà máy pin và xe điện đang được xây dựng ở các bang thuộc Đảng Cộng hòa.

Các chuyên gia cho rằng, dù ông Trump có thể thay đổi chính sách ở Mỹ, ông khó có thể ngăn chặn sự phát triển của xe điện toàn cầu. Châu Âu và Trung Quốc vẫn là những thị trường lớn mà các hãng xe Mỹ cần cạnh tranh, và quá trình chuyển đổi sang xe điện sẽ tiếp tục diễn ra ở các thị trường ngoài Mỹ.

Ngoài ra, mặc dù ông Trump đã kêu gọi cắt giảm thuế và giảm bớt các quy định, ứng cử viên Đảng Cộng hòa cũng ủng hộ việc áp dụng thuế quan đối với các tấm năng lượng mặt trời và linh kiện nhập khẩu. Điều này có thể ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường xe điện khi các nhà sản xuất phụ thuộc vào các linh kiện này để sản xuất.

asset-7.png

Các đề xuất chính sách về xe điện của Phó Tổng thống Kamala Harris đã có những điều chỉnh đáng chú ý trong thời gian gần đây.

Trước đó, khi còn là Thượng nghị sĩ Mỹ, bà đồng bảo trợ Đạo luật về xe không phát thải (2019), với mục tiêu loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng xăng, dự kiến rằng toàn bộ xe mới sẽ không phát thải vào năm 2040. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020, bà cũng đề xuất rằng đến năm 2030, 50% lượng xe mới bán ra sẽ là xe điện, và đến năm 2035, con số này sẽ là 100%.

Tuy nhiên, gần đến cuộc bầu cử năm 2024, Harris đã thông báo rằng bà không còn ủng hộ việc bắt buộc chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện. Thay vào đó, bà đã chuyển sang hướng hỗ trợ dựa trên thị trường, tức là khuyến khích thay vì ép buộc. Sự thay đổi này phản ánh sự nhạy cảm chính trị trước phản ứng của cử tri, đặc biệt là ở các bang dao động, nơi cử tri tỏ ra thận trọng với những thay đổi quá nhanh trong tùy chọn phương tiện.

Chính sách xe điện của Harris, dựa trên các mục tiêu của chính quyền Biden, tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ xe điện nhằm giảm lượng khí thải và tạo ra các cơ hội kinh tế cho nước Mỹ. Bà ủng hộ các khoản đầu tư vào năng lượng sạch và giảm thiểu ô nhiễm, nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang xe điện và các ngành công nghiệp xanh khác.

Một số điểm nổi bật trong các chính sách của bà bao gồm việc thúc đẩy ngân hàng xanh với khoản đầu tư 20 tỷ USD để hỗ trợ các dự án giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao tỷ lệ công đoàn hóa trong ngành năng lượng sạch. Bà cũng ủng hộ các khoản tín dụng thuế xe điện với mức giảm giá 7.500 USD cho xe điện mới và 4.000 USD cho xe cũ, nhằm khuyến khích các gia đình có thu nhập thấp và trung bình mua xe điện.

Nếu một chính quyền như của bà Kamala Harris nắm quyền, Mỹ có thể sẽ tiếp tục áp dụng các chính sách thúc đẩy xe điện. Điều này không chỉ giúp xe điện Mỹ có ưu thế hơn ở thị trường nội địa mà còn tạo động lực cho các nhà sản xuất đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ xe điện tiên tiến.

Mặt khác, nếu ông Donald Trump đắc cử, quá trình chuyển đổi sang xe điện tại Mỹ có thể chậm lại, khiến khoảng cách với Trung Quốc trong cuộc đua này ngày càng rộng ra.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ ảnh hưởng lớn đến hướng đi của ngành xe điện không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua khốc liệt trong lĩnh vực mới mẻ này.

>> Dow Jones tương lai tăng vọt hơn 1.000 điểm trước kỳ vọng ông Trump trở lại Nhà Trắng

Công nghệ Trung Quốc sẽ ra sao khi ông Donald Trump chiến thắng bầu cử Mỹ 2024

Dow Jones tương lai tăng vọt hơn 1.000 điểm trước kỳ vọng ông Trump trở lại Nhà Trắng

Theo kinh tế chứng khoán
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/di-san-khong-lo-cua-tong-thong-biden-tam-nhin-trump-harris-va-tuong-lai-cua-nganh-xe-dien-my-129768.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Di sản khổng lồ của Tổng thống Biden, tầm nhìn Trump - Harris và tương lai của ngành xe điện Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH