Phiên sáng nay thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ sau mấy phút hưng phấn buổi sáng.
Vn-Index "bay" 36 điểm phiên sáng
Sáng nay 18/3, thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ đỏ lửa. Kết thúc phiên sáng Vn-Index bị thổi bay gần 36 điểm với 461 mã giảm trên HoSE, chỉ còn lại 38 mã tăng và 31 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường xác lập kỷ lục buổi sáng trong nhiều năm trở lại đây với 1,07 tỷ cổ phiếu khớp lệnh, tổng giá trị hơn 27.000 tỷ đồng. Có 22.567 tỷ đồng phân bổ vào nhóm giảm giá, chiếm xấp xỉ 84% tổng giá trị giao dịch.
Duy nhất 1 cổ phiếu ngược dòng tăng trần trên HoSE là COM của CTCP Vật tư xăng dầu. Tuy vậy thanh khoản cổ phiếu này rất thấp, không tác động nhiều đến điểm tăng của thị trường.
Trong số 38 mã tăng trên HoSE, đáng chú ý có DPG của Đạt Phương. Cổ phiếu này trước đó phiên 15/3 cũng đã tăng 2,96%. Một trong những nguyên nhân khiến DPG tăng mạnh, được dự đoán do công ty công bố thông tin mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng (hiện đang lưu hành 200 tỷ đồng), ngay trong quý II/2024.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đỏ lửa, trong đó có đến 4 đại diện trong số 5 mã kéo giảm thị trường mạnh nhất. BID đứng đầu nhóm này.
Toàn bộ nhóm cổ phiếu ngân hàng hút 3.600 tỷ đồng, đứng thứ 3 sau nhóm bất động sản và chứng khoán. Duy nhất SGB còn giữ được sắc xanh sau khi phiên giao dịch buổi sáng khép lại.
>> Giữa lùm xùm thẻ tín dụng Eximbank và lúc VN-Index giảm 25 điểm, EIB lại ngược dòng tăng giá
Đi tìm nguyên nhân Vn-Index giảm điểm
Nguyên nhân do đâu? một số ý kiến cho rằng từ những thông tin phiên họp thứ 31 của Quốc hội sáng nay với nội dung chính thuộc lĩnh vực tài chính.
Sáng nay, vấn đề liên quan đến các công ty bảo hiểm được đề cập nhiều nhất.
Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Đặng Bích Ngọc của tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian qua thị trường bảo hiểm đã thể hiện được vị trí, vai trò đối với phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, quá trình hoạt động, thị trường bảo hiểm còn phát sinh nhiều bất cập, gây dư luận xấu trong Nhân dân, mong Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết hiện nay có bao nhiêu công ty bảo hiểm, trong đó hoạt động của các công ty bảo hiểm nước ngoài?
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng cho biết mục tiêu phát triển và giải pháp để quản lý các công ty bảo hiểm thời gian tới nhằm hạn chế những bất cập trong thời gian qua. Về chất vấn của đại biểu đối với thị trường bảo hiểm, Bộ trưởng cho biết, hiện có 82 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ; có 31 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Các công ty đóng góp cho nền kinh tế khoảng gần 700 ngàn tỷ. Doanh thu bảo hiểm trong năm 2023 giảm đi 8% so với năm 2022, trong đó, bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 13%, nhưng bảo hiểm phi nhân thọ giảm gần 3%. Như vậy, nhu cầu của người dân mua bảo hiểm nhân thọ để tích lũy đảm bảo cho cuộc sống lâu dài giảm đi.
Vấn đề khung giá điện gió, điện mặt trời cũng được các đại biểu đưa ra chất vấn.
Liên quan đến trách nhiệm xây dựng khung giá cho điện gió, điện mặt trời, phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của Luật Điện lực, Bộ Công thương là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp xây dựng khung giá bán lẻ, khung giá phát điện, khung giá bán buôn, giá truyền tải điện. Đã có một thời gian rất dài nhiều cơ sở điện gió, điện mặt trời xây dựng xong nhưng không có khung giá để hòa điện.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã có trách nhiệm và đã thực hiện trách nhiệm này như thế nào trong việc xây dựng khung giá cho điện gió, điện mặt trời cũng như khung giá bán lẻ?
Bên cạnh đó, theo Luật Giá, việc khai giá và việc hình thành cơ sở dữ liệu về giá là công cụ quan trọng để quản lý thị trường giá để đảm bảo lành mạnh và minh bạch. Đây cũng là một cơ sở quan trọng để tạo ra nguồn dữ liệu cho việc thẩm định giá.
Trong thời qua, nhiều cơ quan thẩm định giá từ chối không thẩm định do không có cơ sở dữ liệu chắc chắn. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết việc kê khai và hình thành cơ sở dữ liệu về giá như thế nào?
Vấn đề các công ty xổ số cũng đang được các đại biểu quan tâm chất vấn.