"Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân (HQC) Trương Anh Tuấn đã từng hứa hẹn rất nhiều trong các ĐHCĐ hàng năm mà chưa làm được gì? Lí do ở đây là do năng lực hay có vấn đề gì mà chúng tôi chưa được biết?".
Tối ngày 22/3/2022, một nhóm cổ đông cá nhân (sở hữu hơn 8% vốn tại CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) đã có đơn gửi lên HĐQT, chất vấn lãnh đạo về tình hình của công ty.
Đáng chú ý, nhóm này liên quan đến Louis Holdings – cái tên khá đình đám trên thị trường năm 2021 với loạt thương vụ M&A và sự tăng bất thường của cổ phiếu liên quan.
Hiện nhóm Louis (được biết đã sở hữu 10,25% vốn HQC tính đến ngày 12/3/2022) muốn đề cử bà Nguyễn Giang Quyên – Tổng Giám đốc Louis Land (BII) - vào một vị trí HĐQT doanh nghiệp trong kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2022 của HQC tới đây.
Phản ứng lại, phía Hoàng Quân chưa đồng ý và cho rằng văn bản của nhóm cổ đông không có đầy đủ chữ ký và con dấu đối với các cổ đông là pháp nhân.
Nguyên văn chất vất cổ đông như sau:
"Chúng tôi là nhóm cổ đông đang nắm giữ mã cổ phiếu HQC (có danh sách kèm theo).
Là nhóm cổ đông đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt thời gian dài, chúng tôi đã có rất nhiều ưu tư xin được chất vấn công khai ban lãnh đạo của công ty vì mục tiêu xây dựng và cùng phát triển HQC.
Căn cứ theo nội dung quyền lợi của cổ đông được quy định tại các văn bản pháp luật và điều lệ công ty, chúng tôi mong muốn được nắm rõ thông tin minh bạch, rõ ràng và được giải đáp các vấn đề, câu hỏi như sau:
1. Tại sao lãi của Công ty chỉ luôn quanh mức 1 tỷ trong khi vốn điều lệ của công ty là 4.766 tỷ đồng? Rất nhiều công ty kinh doanh bất động sản đều có mức doanh thu và lợi nhuận hợp lý những năm qua. Là cổ đông của công ty có vốn điều lệ lớn nhưng mức lãi của Quý Công ty cứ kiểu 1 tỷ đồng hàng quý khiến chúng tôi cảm thấy khó hiểu.
2. Tại sao HQC lại chỉ sở hữu tỷ lệ thấp ở các dự án bất động sản qua công ty con? Có dự án chỉ 10% hoặc 20%. Ai là những người sở hữu còn lại? Có phải chính cổ đông nội bộ công ty hay không? Vấn đề các cổ đông sở hữu vốn còn lại xin ban lãnh đạo công khai.
3. Gần đây khi có thông tin nhóm cổ đông khác vào giúp sức công ty thì cổ phiếu HQC lại tăng ngay? Phải chăng việc có thêm cổ đông bên ngoài vào là có lợi cho doanh nghiệp?
4. Chủ tịch Trương Anh Tuấn đã từng hứa hẹn rất nhiều lần về HQC trong các đại hội cổ đông hàng năm mà trong suốt thời gian qua chưa làm được gì? Lí do ở đây là do năng lực hay có vấn đề gì mà chúng tôi chưa được biết?
5. Trong đại hội năm 2020, Chủ tịch Trương Anh Tuấn được cho là có người muốn dìm giá cổ phiếu. Thế tại sao chính Chủ tịch của công ty lại đăng ký bán 24 triệu cổ phiếu chỉ với giá 5000 đồng trong khi lại hứa hẹn với cổ đông về mức giá cao hơn rất nhiều của cổ phiếu HQC trong những năm tới? Phải chăng chính Chủ tịch công ty lại muốn "đánh võ mồm" với chính cổ đông của công ty? Tại sao tỷ lệ nắm giữ của chủ tịch công ty lại ít như thế?
Chúng tôi mong muốn nhận được những giải đáp sớm của công ty cũng như cá nhân Chủ tịch Trương Anh Tuấn để có thể an tâm đồng hành cùng sự phát triển của HQC. Với tình hình hiện tại, chúng tôi nghĩ rằng không chỉ riêng chúng tôi mà các cổ đông khác cũng sẽ khó có thể tin tưởng vào lãnh đạo nội bộ để có thể ủy quyền các vấn đề khác hay trong các hoạt động tương lai. Chúng tôi hi vọng sẽ có những giải đáp rõ ràng, thuyết phục từ Quý Công ty trong chương trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 diễn ra vào ngày 26/3/2022 sắp tới".
Được biết, phản ứng gay gắt của nhóm cổ đông lâu năm này diễn ra trong bối cảnh HQC đang vấp phải tranh chấp với nhóm liên quan Louis. Nhóm này hiện đã sở hữu hơn 10% vốn tại HQC và đang đề nghị bổ sung Thành viên HĐQT, cụ thể là đưa người Louis Land (BII) vào HĐQT tại Đại hội năm nay.
Cần nhấn mạnh, trước khi nhóm cổ đông mới này gia nhập, ban lãnh đạo HQC đã bán ra lượng lớn cổ phiếu HQC trong bối cảnh kinh doanh kém sắc của công ty. Theo đó, tính đến cuối năm 2021, tổng vốn trôi nổi của HQC ghi nhận hơn 86% vốn.
HQC báo lợi nhuận về đáy 12 năm
Theo ghi nhận năm 2021, Địa ốc Hoàng Quân đạt doanh thu thuần chỉ 279 tỷ đồng - giảm 48% so với năm 2020. Theo giải trình của HQC trong các báo cáo quý, do tình hình COVID-19 trong nước diễn biến phức tạp, khách hàng cũng như nhà đầu tư hạn chế giao dịch, dẫn đến doanh thu không đạt như kỳ vọng.
Điểm sáng của công ty trong năm qua là doanh thu tăng chính đạt xấp xỉ 17 tỷ đồng - gấp 2,2 lần so với năm trước. Bên cạnh đó, chi phí cũng được tiết giảm đáng kể khi chi phí quản lý và bán hàng lần lượt giảm 28% và 32%.
Dù vậy, HQC vẫn báo lãi sau thuế 2021 giảm 57% còn hơn 4 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ năm 2009. Với mức lãi này, công ty chỉ thực hiện được hơn 8% mục tiêu lợi nhuận đã đề ra cho năm 2021.
Riêng trong quý IV/2021, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ban đầu tăng gần 29%. Tuy nhiên, do hàng bán bị trả lại, doanh thu thuần của HQC giảm 6% còn hơn 73 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, công ty chỉ còn lãi hơn 1 tỷ đồng - đi ngang so với cùng kỳ.
Trên bảng cân đối, tổng tài sản của HQC tăng 34% so với đầu năm 2021 - đạt gần 9.328 tỷ đồng (chủ yếu đến từ việc tăng khoản đầu tư vào đơn vị khác từ 2.068 tỷ đồng lên 4.435 tỷ đồng).
Đối với các khoản mục thuộc nợ phải trả, điểm sáng của HQC là nợ vay giảm mạnh 96% chỉ còn hơn 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản mục phải trả ngắn hạn khác ghi nhận gần 2.076 tỷ đồng - gấp 2,7 lần đầu năm.
Ngoài ra, tiền mượn từ các Thành viên HĐQT dưới khoản mục phải trả dài hạn khác cũng tăng đột biến từ gần 48 tỷ đồng lên hơn 1.201 tỷ đồng.
Trên sàn, giá cổ phiếu HQC biến động rất mạnh từ vùng 3.500 đồng thị giá (đầu tháng 10/2021) lên gần 11.000 đồng (phiên 10/1/2022) trước khi đổ đèo để về lại mốc 6.500 đồng/cổ phiếu.
'Ông trùm' nhà ở xã hội vừa bắt tay với Novaland ấp ủ tham vọng lợi nhuận kỷ lục gấp 19 lần cùng kỳ
Hoàng Quân (HQC): Chủ tịch Trương Anh Tuấn muốn gom hàng triệu cổ phiếu sau hơn nửa năm rút sạch vốn