Xã hội

Địa phương có cầu dây văng nhịp chính dài nhất Đông Nam Á sẽ là thành phố sinh thái, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước

Manh Lan 06/10/2024 12:53

Thành phố này sẽ hướng đến xây dựng thành phố sinh thái, hiện đại, đậm bản sắc sông nước, trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2045.

Theo dự thảo điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ, quy hoạch này bao gồm toàn bộ địa giới hành chính với 9 đơn vị, gồm 5 quận và 4 huyện. Ranh giới hành chính xác định: phía Bắc giáp An Giang, phía Đông giáp Đồng Tháp và Vĩnh Long, phía Nam giáp Hậu Giang, và phía Tây giáp Kiên Giang. Quy mô lập quy hoạch là 1.440,40km2.

Phạm vi nghiên cứu tập trung vào vai trò của Cần Thơ trong mối quan hệ phát triển với các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời liên kết mật thiết với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Thời hạn quy hoạch đến năm 2030, dài hạn đến 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Quy hoạch chung mới sẽ xác định rõ vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Cần Thơ

Quy hoạch chung mới sẽ xác định rõ vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Cần Thơ

Việc điều chỉnh quy hoạch chung là cần thiết bởi Cần Thơ có vị trí chiến lược quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Sau 10 năm triển khai quy hoạch (2013-2023), nhiều thay đổi cục bộ đã diễn ra, đồng thời nảy sinh một số vấn đề bất cập. Bối cảnh phát triển hạ tầng và không gian kinh tế sau 10 năm cũng đã có nhiều chuyển biến, đồng thời có sự thay đổi trong các định hướng cấp cao từ quy hoạch quốc gia, vùng và ngành.

Để thực hiện mục tiêu phát triển dài hạn đến năm 2045 như đã nêu trong Nghị quyết số 59-NQ/TW, việc điều chỉnh quy hoạch nhằm xây dựng Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, đậm bản sắc sông nước là hết sức cần thiết.

Mục tiêu đến năm 2045, Cần Thơ sẽ trở thành thành phố sinh thái, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á

Mục tiêu đến năm 2045, Cần Thơ sẽ trở thành thành phố sinh thái, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á

Quy hoạch chung mới sẽ xác định rõ vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Cần Thơ, bổ sung các yếu tố mới, thay đổi định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng đất. Quy hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: điều chỉnh cấu trúc không gian đô thị, cải tạo khu đô thị hiện hữu, bảo tồn và phát triển không gian xanh dọc sông, kênh rạch, chú trọng thiết kế đô thị và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Hạ tầng xã hội và kỹ thuật cũng được tăng cường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và xác định các dự án trọng điểm.

Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch được lập dựa trên ba quan điểm chính: (1) Bám sát các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển bền vững đô thị, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng của Cần Thơ; (2) Cụ thể hóa Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, kế thừa định hướng của Quy hoạch năm 2013; (3) Kết hợp phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng bản sắc đô thị đặc trưng sông nước.

Cầu Cần Thơ

Cầu Cần Thơ

Mục tiêu đến năm 2045, Cần Thơ sẽ trở thành thành phố sinh thái, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, với tầm nhìn xây dựng thành phố thông minh đáng sống. Cần Thơ sẽ là đô thị loại I, hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống hạ tầng hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường, đồng thời giữ vị trí chiến lược về quốc phòng và an ninh của vùng và cả nước.

Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch dự báo quy mô dân số của Cần Thơ đến năm 2045 khoảng 1,49 triệu người, với diện tích đất xây dựng khoảng 22.000-30.000ha.

Cầu Cần Thơ là một cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu, không chỉ đóng vai trò là công trình giao thông chủ chốt mà còn là biểu tượng cho sự phát triển và hiện đại hóa của Đồng bằng sông Cửu Long.

Ý tưởng xây dựng cây cầu lớn kết nối các tỉnh vùng sông Hậu đã được ấp ủ từ lâu, nhưng mãi đến năm 2004 dự án mới chính thức được khởi công. Sau 6 năm xây dựng, cầu Cần Thơ được khánh thành vào ngày 24/4/2010, đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển khu vực, kết nối TP. Cần Thơ với tỉnh Vĩnh Long.

Cầu Cần Thơ có tổng chiều dài 15,85km, chiều cao 175,3m. Phần chính của cầu là kết cấu dây văng dài 1.010m, trong đó nhịp chính dài 550m, được thiết kế cho phép xe di chuyển với tốc độ 80km/h. Cầu có trụ hình chữ Y ngược và sử dụng 216 sợi cáp, mặt cắt ngang rộng 23,1m, gồm bốn làn xe, với độ cao tĩnh không 39m, đủ cho tàu trọng tải 10.000 DWT lưu thông dễ dàng.

Với nhịp dây văng chính dài 550m, cầu Cần Thơ là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á và thuộc Top 10 cầu dây văng dài nhất thế giới. Sau 14 năm kể từ khi khánh thành, hai kỷ lục này vẫn được duy trì.

>> Thành phố giàu có lớn thứ 3 Việt Nam sẽ có thêm sân bay quốc tế

Thành phố đông dân nhất Việt Nam sắp có cầu nghìn tỷ nối đôi bờ sông Sài Gòn

Thành phố đông dân nhất thế giới nhân rộng siêu đường hầm chống lũ dưới lòng đất

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/dia-phuong-co-cau-day-vang-nhip-chinh-dai-nhat-dong-nam-a-se-la-thanh-pho-sinh-thai-hien-dai-mang-dam-ban-sac-song-nuoc-d135136.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Địa phương có cầu dây văng nhịp chính dài nhất Đông Nam Á sẽ là thành phố sinh thái, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước
POWERED BY ONECMS & INTECH