Thành phố đông dân nhất thế giới nhân rộng siêu đường hầm chống lũ dưới lòng đất
Đáy của công trình này mang đến cảm giác đặc biệt với nhiệt độ mát hơn nhiều so với mặt đất vào mùa hè và ấm hơn vào mùa đông.
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 30/8, nước ồ ạt tràn vào một không gian ngầm khổng lồ được gọi là "nhà thờ lớn" nằm ở phía Bắc Tokyo, Nhật Bản. Nguồn nước này đến từ những trận mưa như trút nước đang đổ xuống khu vực thủ đô, khi bão Shanshan tấn công khu vực phía Tây Nam Nhật Bản, cách đó khoảng 600km.
Nhật Bản đã đầu tư 230 tỷ yên (tương đương 1,63 tỷ USD) trong 13 năm để xây dựng khu phức hợp ngầm "nhà thờ lớn", có tên chính thức là Kênh xả ngầm khu vực ngoài đô thị. Từ khi đi vào hoạt động năm 2006, công trình này đã giúp ngăn chặn thiệt hại do lũ lụt ước tính hơn 150 tỷ yên. "Nhà thờ lớn" có 59 cột khổng lồ, mỗi cột nặng 551 tấn và cao 18m. Khi các con sông gần đó ngập lụt, nước sẽ chảy vào một hệ thống đường hầm ngầm dài 6,3km, sau đó được dẫn vào hồ chứa.
Đáy của công trình này mang đến cảm giác đặc biệt với nhiệt độ mát hơn nhiều so với mặt đất vào mùa hè và ấm hơn vào mùa đông. Không gian bên trong tối tăm, với những tia sáng tự nhiên xuyên qua các lỗ trên trần, cùng các cột cao vút tạo nên vẻ uy nghi như một công trình tôn giáo cổ xưa, khiến nó được gọi là "nhà thờ lớn" hay "đền thờ". Bên cạnh giá trị kỹ thuật, công trình này cũng trở thành điểm thu hút du lịch và địa điểm quay phim nổi tiếng tại thủ đô Nhật Bản.
"Nhà thờ lớn" cùng mạng lưới đường hầm rộng lớn đã giúp Tokyo tránh được tình trạng ngập lụt, với khả năng chứa nước tương đương 100 bể bơi cỡ Olympic. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt gia tăng đã khiến các nhà chức trách phải nâng cấp hệ thống này đáng kể.
Mùa hè năm nay là mùa hè nóng nhất tại Nhật Bản kể từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu vào năm 1898, trong khi lượng mưa kỷ lục ở các vùng phía Bắc đã gây ra lũ lụt thảm khốc vào tháng 7. Tại Tokyo, những cơn bão mạnh và bất ngờ, gọi là mưa rào "du kích", ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Hệ thống thoát nước của Tokyo được thiết kế để xử lý lượng mưa lên đến 75mm mỗi giờ, nhưng ngày càng nhiều cơn bão mang lượng mưa tới 100mm, khiến hệ thống này quá tải.
"Nhà thờ lớn" đã hoạt động bốn lần trong tháng 6, nhiều hơn cả năm 2023. Trong cơn bão Shanshan, hệ thống đã thu thập đủ lượng nước để lấp đầy 4 sân vận động bóng chày Tokyo Dome. Sau đó, nước được bơm an toàn ra sông Edogawa và cuối cùng ra biển.
Mặc dù vậy, hệ thống này vẫn không thể ngăn chặn ngập lụt, khi hơn 4.000 ngôi nhà ở lưu vực sông bị ảnh hưởng trong đợt mưa bão nặng nề vào tháng 6/2023. Trận ngập lụt đó đã thúc đẩy nhà chức trách triển khai dự án kéo dài 7 năm, trị giá 250 triệu USD để gia cố đê và cải thiện hệ thống thoát nước trong khu vực.
Gần trung tâm Tokyo, một dự án lớn khác cũng đang được thực hiện nhằm nối các kênh dẫn nước tràn từ sông Shirako và Kanda. Khi hoàn thành vào năm 2027, hệ thống này sẽ dẫn nước lũ qua 13km đường hầm dưới lòng đất ra vịnh Tokyo.
Mạng lưới thoát nước của Tokyo được thiết kế để xử lý lượng mưa lên tới 75mm mỗi giờ, nhưng số lượng các cơn bão cục bộ ngày càng tăng, mang theo lượng mưa lên tới 100mm đã khiến hệ thống này quá tải.
Theo World Populations Review, thành phố Tokyo, Nhật Bản có dân số lớn nhất trên toàn cầu, với hơn 37 triệu người. Khu Shinjuku trong thành phố Tokyo là trung tâm hành chính, với mật độ dân số cao nhất và cũng là vùng đô thị có GDP cao nhất trên thế giới.