Điểm lại 9 'cú rơi lịch sử' làm chao đảo thị trường chứng khoán Việt Nam
Trải qua 24 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã chứng kiến nhiều phiên điều chỉnh mạnh của VN-Index trước những ảnh hưởng từ thông tin kinh tế trong và ngoài nước.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đang chao đảo trước những thông tin tiêu cực tác động sau quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cùng với lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ và căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông.
Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận phiên biến động mạnh vào ngày 5/8 khi VN-Index bị thổi bay hơn 48 điểm, xuyên thủng mốc 1.200 về còn 1.188 điểm. Đây cũng là phiên sụt giảm mạnh nhất trong vòng 4 tháng qua.
Nhìn lại chặng đường 24 năm phát triển, thị trường chứng khoán cũng ghi lại nhiều dấu ấn với quy mô vốn hóa đạt gần 200 tỷ USD. Số lượng cổ phiếu niêm yết trên HoSE tăng lên hơn 500 mã với giá trị vốn hóa cổ phiếu đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, tương đương 50,26% GDP năm 2023.
Dù vậy, VN-Index cũng trải qua nhiều khoảng thời gian biến động mạnh trước tác động từ thông tin kinh tế trong và ngoài nước. Đáng chú ý, thị trường cũng từng ghi nhận 9 "cú rơi lịch sử" gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư tham gia.
>> Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ, Fed sẽ hạ lãi suất khẩn cấp trong tuần tới?
VN-Index giảm trên 300 điểm vào năm 2001
VN-Index chính thức hoạt động từ ngày 27/7/2000 với số điểm khởi đầu là 100 và đạt đỉnh 571 điểm vào 25/6/2001. Sau sự tăng trưởng nóng, bong bóng chứng khoán dần được hình thành, tiềm ẩn nguy cơ về đợt điều chỉnh giảm sâu. Theo đó, nhiều quy định cũng được đưa ra nhằm kiểm soát tăng nóng đã khiến nhà đầu tư không mặn mà với thị trường.
Đến cuối năm 2001, VN-Index giảm hơn 300 điểm so với đỉnh từng xác lập, đóng cửa tại mức 235,4 điểm.
Thị trường giảm mạnh sau cơn sốt chứng khoán năm 2006
Vào thời điểm các tháng đầu năm 2006, chứng khoán Việt Nam tạo nên cơn sốt khi tăng khoảng 300 điểm chỉ chưa đầy 3 tháng, đưa VN-Index lên hơn 630 điểm.
Sau đà tăng nóng, chứng khoán bước vào xu thế giảm với 8 phiên lao dốc “thổi bay” hơn 60 điểm xuống còn 487,86 điểm. Nhìn rộng hơn, chỉ số đã giảm gần 250 điểm (-38%) về mức 399 điểm chỉ trong hơn 3 tháng.
VN-Index giảm 88 điểm trước tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008
Sau thời kỳ phục hồi và hoàng kim năm 2007, nhà đầu tư chứng kiến nhiều phiên giao dịch “rực lửa” trước sự ảnh hưởng của cuộc suy thoái toàn cầu, bắt đầu từ sự sụp đổ của Lehman Brothers khiến lạm phát tăng cao, tín dụng thắt chặt, giá các loại nhiên liệu tăng vọt...
Nhiều cổ phiếu theo đó ghi nhận biên độ giảm mạnh thậm chí nằm sàn la liệt trước áp lực bán dâng cao. Tính từ ngày 3/10/2008, VN-Index bị thổi bay 88,58 điểm trong 7 phiên liên tiếp.
Chứng khoán Việt chao đảo sau sự kiện bầu Kiên bị bắt vào năm 2012
Thời điểm tháng 8/2012 khiến nhiều nhà đầu tư nhớ đến sự kiện bầu Kiên - cựu Thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) để điều tra về một số sai phạm liên quan đến hoạt động kinh tế.
Vụ việc này đã tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu liên quan đến bầu Kiên bị bán tháo như ACB, EIB. Chỉ trong 3 phiên, VN-Index giảm 43 điểm, xuyên thủng mốc 400 điểm về mốc 392.
>> 3,7 triệu cổ phiếu ACB của bầu Kiên được rao bán
“Cơn bão” ở biển Đông thổi bay 80 điểm của VN-Index
Trong năm 2014, thị trường chứng khoán chịu nhiều các tác động từ những yếu tố bên ngoài, đặc biệt là sự kiện biển Đông và những đột biến của giá dầu thế giới.
Đáng chú ý, vào ngày 2/5/2014, giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc đưa đến khu vực biển cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý (khoảng 30 km) và nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Sự kiện này bắt đầu tác động đến thị trường chứng khoán từ cuối tháng 4/2014. Chỉ trong vòng 1 tháng, VN-Index đã sụt giảm khoảng 15% từ vùng đỉnh gần 600 điểm rơi xuống mức thấp nhất 513 điểm.
Năm 2018: Từ đỉnh lịch sử chìm sâu trượt sâu xuống đáy
Trong thời kỳ thăng hoa từ năm 2016-2018, VN-Index từng lập đỉnh cao mới trong lịch sử ở mức 1.211 điểm vào ngày 10/4/2018 nhưng sau đó đánh bay thành quả đạt được sau đà giảm mạnh 27% xuống đáy 888 điểm vào ngày 30/10.
Những ảnh hưởng tiêu cực có thể có từ một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa đến hồi kết và cùng với biến động mạnh của giá dầu khiến cho VN-Index chịu tác động mạnh.
Điểm nhấn của năm 2018 là việc cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes lên sàn tạo ra phiên giao dịch tỷ USD đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị giao dịch lên tới 34.900 tỷ toàn thị trường trong phiên 18/5. Cùng với VRE, bộ ba cổ phiếu thuộc Vingroup có thời điểm chiếm đến 23% tổng vốn hóa sàn HoSE và có tác động rất lớn đến biến động của VN-Index.
Đại dịch Covid - 19 “càn quét” thị trường chứng khoán
Chứng khoán Việt rơi vào thời kỳ ‘’đen tối’’ trước tác động của đại dịch Covid-19 gây ra. Thị trường liên tục rơi vào trạng thái hoảng loạn với áp lực bán tháo mạnh của nhà đầu tư. VN-Index lập đáy vào ngày 30/3/2020 ở mức 662,26 điểm, tương ứng giảm 27% so với thời điểm 22/1/2020.
Tuy nhiên, ngay sau phiên đáy, thị trường đã liên tục thăng hoa và tăng điểm ngoạn mục nhiều phiên, VNindex đã lần đầu lập đỉnh 1.500 điểm vào năm 2022.
>> Gần 80.000 tỷ đồng tiền ngoại rút khỏi sàn chứng khoán Việt giai đoạn COVID-19
Các đại án làm rúng động thị trường chứng khoán trong năm 2022, VN-Index “bốc hơi” gần 600 điểm
Năm 2022 cũng khiến nhà đầu tư chứng khoán “ám ảnh” trước nhiều làn sóng bán tháo ập đến khi thị trường chứng khoán bước vào môi trường bất lợi với lãi suất ngân hàng tăng mạnh cùng loạt thông tin tiêu cực liên quan tới các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn như FLC của ông Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Tình hình kinh tế chính trị thế giới càng không mấy khả quan.
VN-Index rơi từ vùng đỉnh hơn 1.500 điểm về vùng 911 điểm, tương ứng mức giảm hơn 40% chỉ trong vòng 8 tháng.
3 đại án làm rúng động thị trường chứng khoán năm 2022 |
Hệ quả từ đại dịch Covid-19 và biến động chính trị tại Trung Đông
Vào trung tuần tháng 9/2023, VN-Index một lần nữa chao đảo khi giảm hơn 200 điểm về vùng 1.028. Nhiều cổ phiếu theo đó cũng bị “bốc hơi” từ 30-50%, đánh bay mọi thành quả của nhiều nhà đầu tư.
Ở thời điểm ấy, Việt Nam đang phải đối mặt với tác động “kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và thách thức bên trong. Đặc biệt là ảnh hưởng từ kinh tế thế giới với tốc độ phục hồi chậm sau ảnh hưởng dịch bệnh, cùng với nhu cầu tiêu dùng giảm, lạm phát duy trì ở mức cao ở nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị tiếp tục là chất xúc tác tác động gián tiếp đến nền kinh tế toàn cầu, biến động giá dầu và an ninh lương thực.
Dù vậy, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhiều chính sách cũng được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản giúp phục hồi và phát triển kinh tế.
Sau đà giảm mạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự hồi phục với hơn 250 điểm nhờ sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, đưa VN-Index tiệm cận với vùng 1.300 điểm.
Dù vậy, đây cũng là ngưỡng kháng cự khó chinh phục của VN-Index trong gần 2 năm qua. Sau nhiều lần chinh phục bất thành, VN-Index cũng đang gặp sức ép từ biến động của kinh tế thế giới và căng thẳng leo thang của cuộc chiến tại Trung Đông.
>> VN-Index thủng mốc 1.200 điểm, khi nào nhà đầu tư chứng khoán bị ‘call margin’?
Chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc tăng mạnh trở lại, Nikkei 225 vọt gần 11%
Siêu dự án điện khí 2,2 tỷ USD đang được gấp rút tháo gỡ ‘nút thắt’ trước khi khởi động