Điểm lại một số ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi Dự thảo Luật Đất đai (phần 2)

17-11-2022 12:02|Tiến Tài

Trong Kỳ họp Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu từ các tỉnh thành đã có ý kiến đóng góp trong việc sửa đổi Luật Đất đai.

Kỳ họp Quốc hội vừa mới diễn ra, đã có nhiều đại biểu của nhiều tỉnh thành đưa ra ý kiến về vấn đề sửa đổi Dự thảo Luật Đất đai.

Minh bạch trong công tác định giá đất

Cụ thể, đại biểu đoàn Trà Vinh - ông Thạch Phước Bình đánh giá mặc dù dự thảo đang đi đúng với Nghị quyết của Quốc hội nhưng Nhà nước cũng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định cụ thể liên quan đến bỏ khung giá đất, giao quyền định giá đất cụ thể cho UBND cấp tỉnh.

Theo đại biểu tỉnh Trà Vinh, quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công của Luật Đất đai 2013, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện trong thu hồi đất. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 164, 165 của dự thảo Luật về Bảng giá đất, giá đất cụ thể vẫn chưa khắc phục được những bất cập trong Luật hiện hành.

Ông Bình cho rằng cần có cơ chế hữu hiệu hơn để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của công tác định giá đất, tránh tình trạng bị "thổi giá" trong công tác định giá đất.

Đại biểu đoàn Trà Vinh đề nghị cần quy định rõ, cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh độc lập với UBND cấp tỉnh trong việc định giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn, xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.

Cũng tại khoản 1 Điều 163, Luật Đất đai có quy định việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc như: Theo mục đích sử dụng đất định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất theo quy định của pháp luật; đảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.

Tuy nhiên ông Bình đề nghị cần xác định rõ, tường minh thế nào là phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.

Bỏ khung giá đất

Cùng thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai, đại biểu đoàn Tây Ninh - ông Huỳnh Thanh Phương cho rằng, việc Dự thảo Luật bỏ khung giá đất là nội dung sửa đổi quan trọng, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, ông nhận định cần đánh giá làm sao để xác định giá đất sát với giá thị trường là một bài toán rất khó.

Vì vậy, theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, việc xác định giá đất sát với giá thị trường là điều mà luật phải tính toán kỹ và cần quy định chặt chẽ trong công tác công khai thông tin, tuyên truyền về giá để hạn chế tình trạng "sốt đất ảo".

Và từ đấy Luật Đất đai sẽ cân bằng ổn định về giá thị trường, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá ảo về đất, gây nhiễu loạn thị trường đất đai.

Cũng nói về vấn đề bỏ khung giá đất, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hoà Bình) cho rằng đối với quy định về bảng giá đất, Luật Đất đai đã nêu rõ trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất.

Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể. Do đó, bà Ngọc đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm.

Điều kiện thu hồi đất

Phát biểu tại Kỳ họp Quốc hội, đại biểu của tỉnh Nam Định - bà Mai Thị Phương Hoa cho biết, hiện các quy định về điều kiện thu hồi đất còn chưa đầy đủ, chung chung, chưa cụ thể.

Bà Hoa cho biết, tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật".

Đại biểu nhấn mạnh, trong điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cần làm rõ yếu tố "thật cần thiết", quy định rõ các điều kiện nào là "thật cần thiết" để đảm bảo quá trình thu hồi đất diễn ra minh bạch, tuân thủ đúng quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Ngoài ra, Đại biểu tỉnh Nam Định cũng đề nghị cần rà soát, đánh giá lại các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật hiện hành xem còn phù hợp hay không. Với những trường hợp mới bổ sung, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai.

Khởi tố, bắt tạm giam cựu Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Đồng tiền đầu tiên của Việt Nam sau độc lập: Có 2 chữ ký, 4 ngôn ngữ, thường được gọi là 'Giấy bạc Cụ Hồ'

Ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động Quốc hội đến khi bầu Chủ tịch mới

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/die-m-la-i-mo-t-so-y-kie-n-do-ng-go-p-cho-vie-c-su-a-do-i-du-tha-o-lua-t-da-t-dai-pha-n-2-158571.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Điểm lại một số ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi Dự thảo Luật Đất đai (phần 2)
POWERED BY ONECMS & INTECH