Điểm tên những thiết bị ngốn điện nhất trong mùa đông, một loại vẫn hoạt động ngay cả khi đã tắt bằng điều khiển
Đây là những thiết bị điện đang âm thầm làm tăng tiền điện mà người tiêu dùng ít chú ý.
Các thiết bị điện là thứ không thể thiếu trong nhà. Chúng mang lại sự thoải mái, tiện dụng cho cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người đau đầu khi sử dụng các thiết bị điện chính là điện năng tiêu thụ, số tiền điện phải trả mỗi tháng.
Dưới đây là những loại thiết bị tiêu biểu đang ngầm ‘ngốn’ điện gia đình bạn:
Bình nóng lạnh
Bình nóng là thiết bị có công suất rất lớn. Nó có thể dao động trong khoảng 896W đến 3.000W tùy vào dung tích. Trong khi đó, công suất dự phòng của bình nóng lạnh chỉ khoảng 3W và mức tiêu thụ điện năng dự phòng rơi vào khoảng 2kWh mỗi tháng.
Trong mùa đông, nhu cầu sử dụng nước nóng cao nên không ít người lựa chọn bật bình nóng lạnh cả ngày. Tuy nhiên, quá trình này sẽ tiêu hao lượng điện năng vô cùng lớn. Bình nóng lạnh sẽ làm ấm nước đến một nhiệt độ nhất định và tự ngắt điện. Nước trong bình sẽ nguội từ từ và đến một thời điểm, bình sẽ đóng điện trở lại để đun nóng nước. Quá trình này lặp lại nhiều lần trong ngày sẽ gây lãng phí điện không cần thiết.
Vì vậy, tốt nhất bạn chỉ nên bật bình nóng lạnh trước khi sử dụng. Nếu vắng nhà trong một thời gian dài, tốt nhất nên rút phích cắm của bình nóng lạnh.
Điều hòa nhiệt độ
Một chiếc điều hòa có công suất 2.600W có công suất chờ là 1,11W. Khi bạn chỉ tắt điều hòa bằng điều khiển thì máy sẽ được đưa về chế độ chờ và vẫn tiêu hao một lượng điện năng nhất định. Mặc dù con số này không quá lớn nhưng sau nhiều ngày, nó cũng sẽ làm lãng phí một khoản tiền điện nhất định.
Do đó, khi không sử dụng, bạn nên ngắt hẳn nguồn điện của điều hòa nhiệt độ trong nhà. Nếu gia đình bạn sử dụng chế độ làm ấm của điều hòa trong mùa đông thì đặc biệt chú ý đến điều này.
Tủ lạnh
Tủ lạnh là thiết bị tiêu tốn khá nhiều điện trong gia đình do thiết bị này hoạt động 24/24. Một chiếc tủ lạnh cỡ 150l, công suất 100-150W có thể tiêu thụ 4-5kWh. Tủ lạnh càng lớn, lượng điện tiêu thụ càng cao. Ngoài ra, tủ sẽ phải hoạt động nhiều hơn để làm mát và việc mở tủ nhiều lần trong ngày cũng khiến lượng điện tiêu thụ tăng lên.
Để tiết kiệm điện khi sử dụng tủ lạnh, bạn nên tiến hành vệ sinh tủ thường xuyên, sắp xếp thực phẩm trong tủ một cách hợp lý (không để quá nhiều hay quá ít đồ); điều chỉnh nhiệt độ tủ tùy theo thời tiết và lượng thực phẩm cần bảo quản. Trong ngăn đá nên cho nhiều khay nước để tạo đá giúp tủ lạnh tiết kiệm điện hơn.
Nồi cơm điện
Nồi cơm điện vốn không phải thiết bị tiêu thụ nhiều điện. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách sẽ khiến lượng điện mà nồi cơm điện tiêu thụ tăng lên.
Nhiều người có thói quen cắm cơm sớm và để như vậy mấy tiếng đồng hồ. Khi ăn xong cũng vẫn cắm nồi cơm để giữ ấm. Việc này gây ra lãng phí điện. Một nồi cơm điện dung tích 1,2l có công suất 350-400W có thể tiêu thụ 0,75kWh điện trong vòng 2 giờ hoạt động. Bạn nên căn giờ ăn cơm để sử dụng nồi cơm điện cho phù hợp. Khi cơm chín thì cần rút phích cắm. Cơm thừa sau bữa ăn cần vét ra khỏi nồi, cho vào hộp bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thay vì để trong nồi và cắm điện liên tục để giữ ấm.
Các loại máy sưởi
Ngày nay trên thị trường có nhiều dòng máy sưởi bao gồm máy sưởi gốm, máy sưởi dầu, đèn sưởi hồng ngoại,… và mỗi loại sẽ có những đặc điểm khác nhau về thông số kỹ thuật, ưu nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, chúng đều có chung tác dụng là tỏa nhiệt, giúp làm ấm không gian trong nhà trong thời tiết lạnh giá.
Thế nhưng, đây là một trong những thiết bị ngốn điện nhiều nhất trong mùa đông. Nhưng vì tính tiện ích của nó mà nhiều người vẫn sử dụng thiết bị này vào mùa đông.
Nếu muốn mua máy sưởi, bạn nên chọn những dòng máy sưởi có chế độ ECO tiết kiệm điện, chọn thông số kỹ thuật của máy phù hợp với diện tích phòng, chọn máy sưởi có công suất tiêu thụ điện năng lớn.
>> Khách hàng Hà Tĩnh ngày càng ‘chuộng’ thanh toán tiền điện online