Điểm “trung tâm” trong bài viết đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm
Dư luận đang rất quan tâm và phấn khởi trước quan điểm mới, kiên định về phát triển kinh tế trong các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mấy tuần vừa qua.
Trước hết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh một ý quan trọng: “Kiên định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm” trong bài viết đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư (bài viết "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh").
Phải khẳng định, quan điểm này rất quan trọng, then chốt, cho thấy vị trí trung tâm của phát triển kinh tế - xã hội trong các năm tới đây. Đương nhiên, cách tiếp cận này sẽ có tác động tích cực đến tiến trình đạt các mục tiêu phát triển đã được xác định ở các mốc năm 2035 và 2045.
Vì sao khẳng định quan điểm này vô cùng quan trọng? Vì một lẽ đơn giản nhất: "Dân dĩ thực vi tiên". Đời nào cũng vậy.
Cải cách kinh tế sau Đổi mới đã giúp nước ta đưa tỷ lệ đói nghèo giảm từ 60% của những năm đầu thập kỷ 90 xuống còn dưới 3%. Đây là một thành tích rất ấn tượng, được quốc tế công nhận.
Tuy vậy, suốt từ năm 2019 đến nay, trải qua các đợt phong tỏa do dịch bệnh Covid-19, và nhất là tình trạng “đùn đẩy”, “né tránh”, “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” trong không ít cơ quan nhà nước từ cấp trung ương trở xuống, đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế gặp không ít khó khăn.
Xin lấy dẫn chứng từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Trong nhiều năm trước, đầu tư của khu vực kinh tế này tăng trưởng 15-17%/năm, là động lực của tăng trưởng kinh tế. Đến nay, tốc độ tăng trưởng đã rơi xuống chỉ còn 2,7% năm 2023 và 6,8% trong nửa đầu năm nay, mà nếu trừ đi lạm phát thì có thể còn âm hoặc tăng không đáng kể.
Trong nửa đầu năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động gần 120.000, chỉ cao hơn chút đỉnh so với hơn 110.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập thị trường so với số rút khỏi thị trường vào khoảng 1/1, mức thấp nhất trong nhiều năm nay. Trước đây, có 4 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì chỉ có 1 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê với 30.530 doanh nghiệp quý II/2024 phát hiện thêm, có tới 53,8% doanh nghiệp cho biết, nhu cầu thị trường trong nước thấp; 43,6% cho biết, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao. Có đến 46,9% doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới. Hay nói cách khác, phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra.
Báo cáo PCI của VCCI còn cho biết, mức độ lạc quan của doanh nghiệp ở mức thấp nhất so với những năm trước. Cụ thể, chỉ 27% doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm 2024 và 2025, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022. Con số 27% này cũng thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán (M2) chỉ tăng vỏng vẹn 0,82% trong nửa đầu năm nay. Các chuyên gia kinh tế tính toán, ít nhất tốc độ tăng M2 phải tương đương tốc độ tăng trưởng (6,42%) cộng với tốc độ lạm phát (2,75%) trong kỳ mới đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế.
Nhiệt kế, qua các số liệu trên, cho thấy nền kinh tế đang nguội lạnh. Tâm thế, lòng tin của giới doanh nhân đang bị tác động bởi nhiều vấn đề đang diễn ra trong môi trường kinh doanh.
Xin nêu qua một vài số liệu như trên để thấy, quan điểm “Kiên định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đưa ra rất đúng và trúng.
Giải pháp trước mắt đã được ông nêu ra khi chủ trì Phiên họp thường kỳ Lãnh đạo chủ chốt ngày 6/8: Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân có điều kiện phát triển, hoạt động đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất hiệu quả, tạo không khí phấn khởi đối với nhân dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Còn về dài hạn, ông khẳng định trong bài viết: Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước, củng cố tiềm lực quốc gia. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập. Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, sản xuất kinh doanh; huy động tối đa nguồn lực xã hội cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Những mục tiêu như trên, rốt cuộc, để hiện thực hóa "dân là gốc", "Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới"; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tại cuộc họp báo sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bầu giữ chức vụ mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói về những nhiệm vụ ưu tiên: Trước mắt sẽ rà soát, đánh giá lại các chỉ tiêu Đại hội XIII đề ra để có giải pháp bứt phá, có bước chuyển động nhanh, tăng tốc thực hiện mục tiêu.
"Chúng ta chỉ còn hơn một năm nữa nên yêu cầu về tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu Đại hội Đảng XIII đề ra để về đích sớm, là ưu tiên quan trọng", ông nói.
Tăng trưởng kinh tế lần lượt là 2,55% (năm 2021); 8,12% (năm 2022); 5,05% (năm 2023) và 6,42% trong nửa đầu năm nay.
Các chuyên gia tính toán, tốc độ tăng trưởng nửa cuối năm phải là 7-7,5% mới đạt được tốc độ tăng trưởng 6,5-7% như mục tiêu của Quốc hội. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế năm 2024 và 2025 phải đạt trung bình 9%/năm mới đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở tăng trưởng của 3 năm qua.
Đây là những nhiệm vụ "vô cùng khó khăn", nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.
“Tụt hậu” là một trong 4 “nguy cơ” được xác định lần đầu tiên ở Đại hội IX năm 1991 và luôn được nêu lại trong các văn kiện các kỳ đại hội sau đó. Tuy nhiên, “nguy cơ” này đến nay chưa được tổng kết, đánh giá trong bối cảnh mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến 2020 đã không đạt được.
Tăng trưởng kinh tế cao luôn được xác định là con số pháp lệnh, thể hiện khát vọng đưa đất nước vượt qua tình trạng tụt hậu và bắt kịp với các quốc gia trên thế giới.
Vì lẽ đó, các đường lối, chính sách của Đảng cần được thể chế hóa, biến thành luật pháp của Nhà nước mới đi vào đời sống hằng ngày của người dân vì nếu không làm như vậy, các đường lối, chính sách có tốt bao nhiêu, nhiều bao nhiêu cũng rất khó có cơ sở để thực hiện.
Tất cả những mục tiêu và biện pháp như nêu trên để thể hiện tầm nhìn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc".
Bài 2: Nhận thức về kỷ nguyên mới của dân tộc
>>Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14
Tổng Bí thư Tô Lâm: Sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo để chuẩn bị Đại hội 14 của Đảng
Tổng Bí thư Tô Lâm: tiếp tục phòng, chống tham nhũng theo phương châm không ngừng, không nghỉ