Cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo sự phát triển, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, công bằng.
Sáng 18/7, đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo "Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra và giải pháp”.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Trần Tuệ Quang cho hay, các chi phí cấu thành giá điện được tính đúng và giá điện được điều chỉnh theo biến động thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô đất nước.
Từ khi ban hành cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường, giá bán lẻ điện được điều chỉnh không những đảm bảo tài chính bền vững cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư, vận hành hệ thống mà còn đảm bảo tài chính cho các nhà đầu tư ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh điện.
Tuy nhiên, do giá điện là mặt hàng "nhạy cảm", việc thay đổi có thể ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân, nên trong một số năm, giá điện được giữ ổn định.
Ông Quang nhấn mạnh, cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo sự phát triển thị trường điện. Mục tiêu là thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, công bằng.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đề nghị ban hành nghị định về cơ chế điều chỉnh giá điện bán lẻ với thẩm quyền thuộc Chính phủ và đơn vị điện lực; bổ sung chính sách giá điện theo vùng miền...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chia sẻ, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước vẫn phải tiếp tục, dù có hình thành thị trường bán lẻ điện thì Nhà nước vẫn phải kiểm soát. Nghị quyết 55 của Trung ương về chiến lược phát triển năng lượng cũng đã nêu quan điểm này.
"Giá năng lượng, giá điện luôn được Trung ương xác định phải theo thị trường, dần dần xoá bỏ bù chéo. Cơ cấu ngành điện thế nào thì Nhà nước vẫn phải kiểm soát, kiểm soát ở mức độ nào để tăng cạnh tranh, minh bạch là quan trọng”, ông nói.
Hiện có Luật Điện lực, Luật Giá - hai luật nền tảng cho quản lý các chi phí của ngành điện. Tới đây, sẽ tiếp tục phải sửa đổi Luật Điện lực, trong đó luật hoá điều hành giá điện, luật hoá các quy định về thị trường điện. Bộ Công Thương cũng đề xuất xây dựng Luật Năng lượng tái tạo và sửa đổi, bổ sung Luật tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, chính sách giá điện Việt Nam thời gian qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.
Có ý kiến cho rằng cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý; cơ cấu biểu giá bán lẻ chưa phù hợp, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần...
“Cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện, chưa dự báo tốt và tính toán đầy đủ những yếu tố ảnh hưởng từ thị trường năng lượng khu vực và thế giới”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.
Những tồn tại, bất cập, vướng mắc về giá điện, thị trường điện đã ảnh hưởng đến sự phát triển ngành điện, ngành năng lượng và sự ổn định, bền vững đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có cách làm mới, giải pháp đột phá tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh và đời sống người dân với giá cả hợp lý trong một thị trường lành mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Hải cho biết hay cũng là mục tiêu của đoàn giám sát chuyên đề được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao phó. Ông đề nghị Ủy ban cùng các chuyên gia, nhà khoa học khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo báo cáo đoàn giám sát.
Donald Trump đề cử Elon Musk vị trí bộ trưởng, Bitcoin tăng giá 'điên rồ'
Bộ trưởng Công Thương: Chậm một ngày sẽ chậm nhiều năm trong thu hút đầu tư