Điện thoại Trung Quốc đặt cược vào Đông Nam Á sau màn trở lại của Huawei

03-11-2023 06:35|Du Lam

Một số thương hiệu smartphone hàng đầu Trung Quốc đang đặt cược vào Đông Nam Á sau khi Huawei trở lại 'hâm nóng' cạnh tranh trên sân nhà.

Tháng trước, Oppo tổ chức ra mắt hai smartphone màn hình gập Find N3 và N3 Flip tại Singapore. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm công ty chọn quốc đảo này làm nơi diễn ra sự kiện.

Elvis Zhou, Giám đốc tiếp thị quốc tế của Oppo, nhận xét điện thoại gập là điều cần thiết để tăng lực cho thị trường di động bão hòa trong vài năm tới.

Trong khi đó, Tecno của Transsion Holdings vốn từ lâu tập trung vào điện thoại bình dân ở châu Phi cũng bắt đầu xâm nhập Đông Nam Á. Hãng đã phát hành smartphone gập mới nhất ở Singapore và đặt mục tiêu tăng cường hiện diện trong toàn khu vực.

oppo find n3 flip thumb 845x475.jpg
Mẫu smartphone gập N3 Flip mới ra mắt của Oppo (Ảnh: Oppo)

Oppo làm cả hai loại smartphone gập vào trong như cuốn sổ và gập dạng vỏ sò. Andy Shi, Chủ tịch Oppo châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ Singapore là trung tâm quan trọng với ảnh hưởng kinh tế và chính trị lớn ở Đông Nam Á.

Những người dùng điện thoại cao cấp này là người có ảnh hưởng chính trong khu vực. Vì vậy, Oppo tung máy mới tại đây để tận dụng lợi thế nhằm phát triển hơn nữa trên thị trường.

Oppo dự đoán tăng trưởng nhẹ ở châu Á – Thái Bình Dương trong năm sau bất chấp những bất ổn của kinh tế vĩ mô. Ông Zhou bổ sung, ngành công nghiệp smartphone trên đà hồi phục vào năm 2024 và 2025, smartphone gập chính là chìa khóa tăng trưởng.

“Ngay cả khi số lượng lô hàng không cao, smartphone gập vẫn tăng trưởng hơn 100% mỗi năm. Giá bán trung bình cao hơn nhiều so với smartphone thông thường. Nó tạo ra nhiều giá trị, đó là lý do chúng tôi ‘tất tay’ vào điện thoại gập ở thị trường nước ngoài”, ông trao đổi với tờ Nikkei.

Dẫn dữ liệu bán hàng nội bộ, Oppo cho biết với mẫu điện thoại gập trước đó, 30% người mua từng dùng thiết bị Samsung, 30% từng dùng Apple. Oppo đứng thứ ba trên thị trường di động Singapore với 16%, còn Samsung và Apple đạt thị phần gộp 71%, theo hãng nghiên cứu IDC.

Ngoài ra, công ty còn là một trong những thương hiệu phổ biến nhất ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, theo Canalys.

Theo hãng phân tích Counterpoint, lô hàng smartphone toàn cầu dự đoán đạt 1,15 tỷ đơn vị năm 2023, mức thấp nhất trong một thập kỷ và giảm 6% so với một năm trước.

Smartphone gập là phân khúc duy nhất được kỳ vọng tăng trưởng dương trong bối cảnh nhu cầu điện tử tiêu dùng sụt giảm. Counterpoint dự đoán doanh số smartphone gập có thể chạm 100 triệu đơn vị vào năm 2027 từ mức 18,6 triệu năm nay.

Samsung đang dẫn đầu cuộc đua smartphone gập, còn Apple vẫn chưa ra mắt thiết bị tương tự. Tại Đông Nam Á, các nhãn hàng Trung Quốc hy vọng có thể lôi kéo người dùng của hai thương hiệu này.

Yen Ng, một nhân viên marketing, chia sẻ với Nikkei: “Trước đây, Singapore là cuộc đua giữa Samsung và Apple… nhưng từ đầu năm, tôi thấy các hãng điện thoại Trung Quốc như Oppo cũng khá tích cực. Bạn có thể nhìn thấy các chiến dịch của họ kết hợp với những người có ảnh hưởng lớn… Họ đang cố gắng thu hút người trẻ”.

Nhà phân tích Will Wong của hãng nghiên cứu IDC cho biết Đông Nam Á là một trong số ít khu vực nơi smartphone Trung Quốc nhìn thấy cơ hội tăng trưởng. Theo ông, họ đặt cược vào Đông Nam Á vì kinh tế tại châu Âu ảm đạm do xung đột Ukraine kéo dài, tại Trung Đông một cuộc chiến địa chính trị mới vừa bắt đầu, tại Mỹ không có nhiều cơ hội, tại Trung Quốc đã quá đông đúc. ASEAN có thể là nơi dồn thêm nguồn lực để có chỗ đứng và hồi phục tốt hơn.

Huawei âm thầm ra mắt Mate 60 Pro 5G và Mate X5 gập vài ngày trước iPhone 15. Công ty muốn xuất xưởng 70 triệu smartphone năm sau, tin tức này khiến đối thủ đồng hương lo ngại.

Theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế hồi tháng 10/2022, châu Á là khu vực duy nhất trên thế giới có thể tăng trưởng kinh tế hơn 5% trong năm 2024, cao hơn triển vọng toàn cầu. Đà tăng sẽ tiếp diễn trong năm 2025 với mức tăng dự kiến 4,8%.

Transsion vượt Oppo trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 5 thế giới tính theo lượng xuất xưởng trong quý II và duy trì động lực trong ba tháng tiếp theo. Thành công của hãng chủ yếu dựa vào thị trường châu Phi, Mỹ Latinh.

Theo nhà phân tích Sheng Win Chow của Canalys, Đông Nam Á là thị trường tốt để các doanh nghiệp như Oppo và Transsion phát triển nền tảng người dùng cao cấp vì Apple chưa đặt nguồn lực lớn ở đây. Kinh tế khu vực cũng đang cải thiện và bùng nổ. Vì vậy, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể dễ dàng tăng sự hiện diện hơn.

(Theo Nikkei)

Viettel hợp tác với nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới làm trạm gốc 5G

Huawei chuẩn bị ra mắt smartphone ‘mạnh nhất’ thế giới, dòng điện thoại đầu tiên không dùng Android

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dien-thoai-trung-quoc-dat-cuoc-vao-dong-nam-a-sau-man-tro-lai-cua-huawei-2210219.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Điện thoại Trung Quốc đặt cược vào Đông Nam Á sau màn trở lại của Huawei
    POWERED BY ONECMS & INTECH