Đây là những điều đơn giản mà cha mẹ phải chú trọng dạy con để không rơi vào tình huống khó xử.
Để tránh tình trạng "muối mặt" vì con thiếu lễ phép, không lịch sự cũng như giúp con hiểu thêm về ngày lễ cổ truyền, cha mẹ cần dạy con 5 điều đơn giản dưới đây.
Dạy con về ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán
Trong suy nghĩ ngây ngô của trẻ, Tết đến là những ngày nghỉ dài để được thỏa thích vui chơi, nhận lì xì từ ông bà, cha mẹ, cô chú, … Chính vì vậy, ba mẹ cần dạy cho bé hiểu được ý nghĩa quan trọng của ngày Tết như thế nào. Hãy nói cho con biết Tết là một lễ truyền thống lớn của dân tộc Việt Nam. Tết mang nét đặc trưng văn hóa phương Đông và tín ngưỡng tôn giáo người Việt từ thời cha ông xưa.
Ngày Tết Nguyên Đán chính là dịp để gia đình đoàn tụ, quân quần bên nhau chung vui niềm vui chào đón năm mới. Đặc biệt, cũng trong dịp Tết, trẻ sẽ được cùng ba mẹ đi đến thăm hỏi và chúc Tết ông – bà, họ hàng ở xa,… để mọi người gắn kết tình cảm với nhau bền chặt hơn. Đó chính là những ý nghĩa thiêng liêng và quý báu của Tết cổ truyền Việt Nam. Khi trẻ hiểu rõ về ngày Tết Nguyên Đán, trẻ sẽ thêm yêu quý và trân trọng hơn những giá trị văn hoá dân tộc mình.
Dạy con những phong tục truyền thống
Tết là dịp gia đình dạy cho con những phong tục truyền thống ngày Tết và những bài học về cội nguồn. Chẳng hạn như nhân dịp này, cha mẹ có thể hướng dẫn con gói bánh chưng, giới thiệu trò chơi dân gian ngày Tết, viết câu đối, viết thiệp chúc mừng, trang trí nhà cửa, trang trí mâm cỗ,…
Được cùng cha mẹ, ông bà chuẩn bị Tết, trẻ sẽ rất hứng thú, hạnh phúc với ngày Tết. Không khí gia đình cùng nhau chuẩn bị mâm quả, bánh chưng, trang trí Tết quả thật rất đầm ấm, đáng nhớ. Đây là cội nguồn nuôi dưỡng những tâm hồn bao dung, nhân ái, biết sẻ chia với mọi người.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên giải thích cho trẻ ý nghĩa của các món ăn truyền thống, về mong ước một năm mới an lành, thịnh vượng. Người lớn có thể sử dụng câu chuyện "Sự tích bánh chưng, bánh dày" để dạy trẻ trân trọng những người nông dân "dãi nắng, dầm mưa" tạo nên hạt gạo trắng tinh khôi mà chúng ta ăn hàng ngày.
Mặt khác, những đứa trẻ còn được bồi dưỡng các kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng làm việc nhà, làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp.
Dạy con chúc Tết mọi người
Chúc Tết là một trong những phong tục tập quán quý giá. Là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam ta từ xưa đến nay mỗi khi Tết đến Xuân về. Trong những ngày Tết, mọi người thường trao nhau những câu chúc mừng Xuân mới. Hay lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và nhiều may mắn,… Những lời chúc đều mang sự bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn của mọi người trong gia đình, là lời cảm ơn đối với bạn bè. Những lời chúc với niềm mong ước và cầu mong một năm mới an vui và hạnh phúc đến với tất cả mọi người.
Tuy nhiên, không phải trẻ nhỏ nào cũng hiểu và biết cách chúc Tết sao cho đúng chuẩn mực. Bạn hãy hướng dẫn con thao tác và các câu chúc Tết từ từ cho trẻ nắm bắt và hiểu được. Hãy cho con biết những lời chúc đó tuy đơn giản và ngắn gọn nhưng giống như “một món quà yêu thương” trao đến với người nhận được.
Trước khi đến nhà ai đó, bạn có thể soạn sẵn ra giấy lời chúc cho con. Rồi cho con tập nói trước khi bắt đầu đi. Những lời chúc tuy chỉ là lời nói rất ngắn gọn và súc tích nhưng khiến cho người lớn nhận được rất chú ý. Họ sẽ rất vui khi nhận lời chúc từ một cô bé hay cậu bé. Bởi chính sự hồn nhiên, ngây thơ trong sáng và cả tình cảm chứa đựng ở trong đó nữa.
Dạy trẻ cách ứng xử khi nhận lì xì
Mỗi dịp Tết đến, trẻ em luôn được nhận nhiều phong bao lì xì từ người lớn. Với những đứa trẻ, những phong bao lì xì là món quà tinh thần ý nghĩa, niềm vui đầu xuân năm mới.
Tuy nhiên, hiện nay, tục lì xì ít nhiều đã có những thay đổi. Từ đó, cách nhận và suy nghĩ về lì xì với những đứa trẻ cũng đã khác. Điều này khiến không ít phụ huynh rơi vào tình thế khó xử.
Vì vậy, hãy dạy con phép tắc lịch sự tối thiểu như: Mỉm cười, cúi nhẹ đầu và nói lời cảm ơn với người tặng. Cha mẹ cũng hãy gợi ý nếu trẻ vô tình quên mất để trẻ cảm thấy bản thân được trấn an. Nhờ đó, trẻ sẽ bình tĩnh, tự tin và cư xử lịch sự hơn.
Để tránh rơi vào những tình huống khó xử, trước Tết, cha mẹ cần giải thích với trẻ là phong bao lì xì để chúc trẻ may mắn, mau ăn chóng lớn, mạnh khỏe. Trẻ không nên mở ra xem ngay khi mới nhận, cũng không nên đưa ra lời khen chê ít nhiều. Cách ứng xử lịch sự nhất là nhận lì xì và cho vào túi, nói lời cảm ơn và ngoan ngoãn tiếp tục ngồi chơi.
Dạy trẻ cách ứng xử Tết khi ăn uống
Hầu hết những ngày Tết, chủ nhà thường giữ khách tới chơi ở lại dùng cơm với gia đình. Người lớn có thể nhâm nhi vài chén rượu, ly bia vui xuân. Nhưng trẻ em thì lại khác. Trẻ sẽ hành động theo phản xạ tự nhiên, một khi đã ăn no, trẻ sẽ nhất quyết từ chối ở lại hoặc quậy phá trong bữa cơm.
Cách giải quyết tốt nhất trong tình huống ngượng ngùng này chính là chủ động mang theo đồ chơi cho trẻ. Ngoài ra, hàng ngày cha mẹ nên hướng dẫn trẻ tuân thủ những quy tắc khi dùng bữa như: Không la hét, nghịch ngợm, không chạy nhảy trong nhà, không chạm vào các đồ dễ vỡ,… bởi sẽ gây ảnh hưởng đến người khác.