Đỗ ô tô chắn cửa, chủ xe nhận các kiểu dằn mặt 'bẻ gương, xịt lốp, cào xước sơn'
Từ chuyện đỗ ô tô chắn cửa nhà, cửa hàng, nhiều chủ xe đã nhận lại các kiểu thông điệp từ dán giấy nhắc nhở, dùng bút viết lên kính... Thậm chí bẻ gương, đổ sơn, cào xước xe.
Việc đỗ ô tô chắn cửa hàng, lối ra vào nhà của người khác luôn là chủ đề tranh cãi không có hồi kết. Luôn có 2 luồng ý kiến, một là lên án hành vi đỗ ô tô thiếu ý thức, chiều ngược lại cho rằng nếu không có biển cấm dừng, đỗ thì sao phải tránh cửa hàng, lối ra? Từ việc này, đã nảy sinh nhiều tình huống "dằn mặt" ô tô đỗ chắn cửa khiến tài xế "méo mặt".
Nhẹ thì dán giấy nhắc nhở...
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một ô tô đỗ chắn cửa nhà, lối đi của một khu dân cư khiến các phương tiện khác không thể lưu thông.
Theo người đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội, một tài xế ô tô mang biển kiểm soát Hà Nội đã cố tình đỗ xe ngược chiều tại điểm hẹp nhất của một con ngõ, khiến các phương tiện khác không thể di chuyển. Tài xế này cũng không để lại số điện thoại liên lạc.
Cũng theo người đăng tải hình ảnh, bức xúc vì ý thức đỗ xe của tài xế, ai đó đã đặt tấm giấy "trách móc" lên kính lái.
Một cách ứng xử với tài xế đỗ ô tô chắn lối khác được chia sẻ trên mạng xã hội, chủ nhà đã viết "tâm thư" rồi để lại số điện thoại để người đỗ xe "kém duyên" kia liên hệ để xin đỗ nhờ nếu có nhu cầu.
Trong thư viết: "Em là chủ nhà... Số điện thoại: 09378... Em mong anh chị hãy gọi cho em nếu có nhu cầu đậu xe qua 1 đêm. Em sẽ cho anh chị vô sân đậu qua 1 đêm hoàn toàn miễn phí..."
Người viết "tâm thư" cũng nêu ra các tình huống ảnh hưởng do ô tô đỗ chắn cửa nhà như: Không thể di chuyển nếu có người bị đi cấp cứu hay nửa đêm phải đi làm thì không thể đưa xe và đồ đạc ra ngoài.
Sau bức "tâm thư", chủ nhà đã nhận được lời xin lỗi của chủ phương tiện.
Xịt lốp, đổ sơn, bẻ gương, cào xước xe
Chuyện đỗ ô tô chắn cửa nhà, cửa hàng đã gây ra bức xúc đỉnh điểm và nảy sinh ra những hành vi "trả đũa" như phá hoại tài sản, tạt sơn, kẻ vẽ lên ô tô, bẻ gương...
Trên một diễn đàn về ô tô, không ít hình ảnh và tình huống xe đỗ chắn cửa hàng, lối đi bị bẻ gương, kẻ vẽ hoặc xịt lốp...
Chủ nhà còn cố tình gắn đinh dưới đường hoặc đinh, ốc nhô ra khỏi tường để tài xế va quệt phải.
Hành vi "dằn mặt" tới mức cố ý hủy hoại tài sản của người khác là vi phạm pháp luật và có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định mức phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 - 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp tái phạm; hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trường hợp tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, người huỷ hoại tài sản cũng bị phạt nặng.
Nếu gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị áp mức phạt tù từ 2 - 7 năm.