Doanh nghiệp đau đầu, hàng tồn chất như núi do 'chỉ rẽ phải, không được rẽ trái'
Năm 2016-2017, khi chúng tôi khảo sát đầu tư thì con đường này cho phép xe trọng tải 10 tấn trên trục đi qua. Nhưng hơn một tháng nay, chính quyền đã cắm biển tạm thời chỉ cho xe trọng tải 10 tấn".
Tồn chục triệu viên gạch vì bị “cấm đường”
Khuôn viên của Công ty CP Sản xuất Vật liệu xây dựng Thuận Hòa Phát, xã Cao Sơn (H.Lương Sơn, Hòa Bình) chất đầy gạch. Gần như chỗ nào có mặt bằng thì cũng dành để xếp gạch. Hàng tồn kho chất cao như núi đè nặng lên doanh nghiệp mỗi ngày.
“Chỗ này phải tồn hơn 10 triệu viên gạch, tính ra cũng hàng chục tỷ đồng, không còn chỗ chứa nữa”, lãnh đạo công ty cho hay.
Hàng tồn kho do thị trường bất động sản ảm đạm là một phần, một phần quan trọng khác là nhà máy này gặp cảnh không thể vận chuyển hàng cho khách vì bị... cấm xe tải trọng lớn đi qua.
“Năm 2016-2017, khi chúng tôi khảo sát đầu tư thì con đường này cho phép xe trọng tải 10 tấn trên trục đi qua. Nhưng hơn một tháng nay, chính quyền đã cắm biển tạm thời chỉ cho xe trọng tải 10 tấn, tức cả xe và hàng là 10 tấn. Trong khi, các xe chở vật liệu xây dựng đều trên 10 tấn”, đại diện doanh nghiệp kể.
Cùng một trục đường dài 10km, nhưng giờ đây muốn chuyển vật liệu về Hà Nội, xe chở hàng không thể rẽ trái về Hà Nội mà chỉ được rẽ phải.
“Trong khi trước đó, nếu rẽ trái chúng tôi chỉ phải đi 2km là ra đường lớn và không có trạm BOT nào. Mỗi ngày, trung bình công ty tôi có tầm 20 lượt xe; như vậy cả tiền vé BOT và dầu mất 20 triệu. Cho nên, xe tải không muốn vào lấy hàng, khiến hàng không thể chở đi đâu được”, đại diện công ty ngao ngán.
"Dù đã nói với nhà xe là sẽ bù một phần chi phí nhưng họ cũng không đồng ý vì đường vào rất xấu", vị này kể.
Chi phí tuân thủ đè nặng doanh nghiệp
Chuyện của công ty kể trên chỉ là một dẫn chứng cho việc địa phương ứng xử với doanh nghiệp trong quá trình đầu tư kinh doanh kiểu "nói chưa đi đôi với làm".
TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - chia sẻ: Từ đầu năm tới nay, các phiên họp của Quốc hội luôn nhấn mạnh cần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Các phiên họp Chính phủ cũng chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách môi trường kinh doanh và nhiều phiên họp chuyên đề, nhiều văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ đề cập tới vấn đề đó.
Tuy vậy, quá trình cải cách môi trường kinh doanh chuyển biến chậm, thậm chí còn thêm rào cản nặng nề hơn. Báo cáo của các ủy ban của Quốc hội cũng phản ánh tình trạng này.
TS. Nguyễn Minh Thảo cho rằng cần coi trọng cải cách thể chế môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Tuyệt đối không ban hành các quy định tạo thêm gánh nặng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp và thiết lập cơ chế bảo vệ cán bộ thực thi”, bà Thảo lư ý.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: “Môi trường kinh doanh, hơn lúc nào hết, cần phải cải thiện nhanh, mạnh mẽ. Có những vấn đề chúng ta không thể kiểm soát được, như tổng cầu của thế giới, suy giảm kinh tế thế giới; nhưng điều có thể kiểm soát được là tổ chức thực thi các chính sách ở trong nước giúp thúc đẩy sự hồi phục của kinh tế, tạo điều kiện cho sự trở lại mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư”.
Đại diện doanh nghiệp ở Hoà Bình kể trên bộc bạch: "Khi kêu gọi đầu tư thì địa phương phải đầu tư hạ tầng, đường sá để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp lưu thông hàng hóa. Chúng tôi bỏ hàng trăm tỷ đầu tư thì cũng đã nộp tiền thuế cho Nhà nước. Đầu tư vào tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Nhưng nỗi khổ của chúng tôi lại do chính quyền địa phương gây khó".
"Nếu chở bằng xe tải nhỏ thì chỉ được vài nghìn gạch một lần vận chuyển, không biết đến bao giờ mới giải phóng hết hàng. Dưới tấm biển cấm có ghi chữ 'tạm thời', nhưng không rõ tạm thời là đến khi nào", ông than thở.
Trả lời PV. VietNamNet về câu chuyện cấm đường, lãnh đạo UBND huyện Lương Sơn cho biết, biển cấm do huyện cắm và doanh nghiệp phải chấp nhận, bởi tuyến đường này phải đi qua 1 cây cầu không cho phép trọng tải trên 10 tấn.
“Một bên là người dân, một bên là doanh nghiệp, phải đảm bảo quyền lợi cho các bên. Doanh nghiệp được đảm bảo sản xuất kinh doanh, còn người dân được giao thông an toàn. Vừa rồi báo chí cũng phản ánh doanh nghiệp gạch vận chuyển hàng làm hỏng hết đường, ô nhiễm khói bụi nên huyện buộc phải xử lý. Trường hợp doanh nghiệp vẫn muốn đi tuyến đường này thì phải sử dụng xe trọng tải nhỏ thôi”, lãnh đạo UBND huyện Lương Sơn bày tỏ.
Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu tăng tổng mức đầu tư lên hơn 24.000 tỷ đồng
Đông dân hơn, chi phí rẻ hơn, vì sao Ấn Độ vẫn chưa thể thay Trung Quốc làm 'công xưởng thế giới'?