Thị trường xe máy điện Việt Nam: Tiềm năng ra sao, rào cản thế nào?
Thị trường xe máy điện tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển sôi động với tốc độ tăng trưởng đáng kể. Dù vẫn còn những rào cản về hạ tầng, công nghệ và hành lang pháp lý, song thị trường xe máy điện nước ta được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất Đông Nam Á.
Mạnh mẽ về nhu cầu và sản lượng
Thị trường xe máy điện đang chứng kiến bước nhảy vọt cả về sản lượng lẫn thay đổi xu hướng sử dụng của tiêu dùng. VinFast - thương hiệu xe điện nội địa dẫn đầu - đã bán ra gần 71.000 xe máy điện trong năm 2024, tương đương khoảng gần 3% so với doanh số của mảng xe máy xăng (5 thành viên VAMM bán ra 2,65 triệu xe). Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, thương hiệu này đã bàn giao hơn 67.500 xe, vượt xa kỳ vọng thị trường.
Các hãng khác như PEGA, Yadea, Dat Bike, Dibao cũng đang đẩy mạnh cuộc đua giành thị phần. Theo dữ liệu mới nhất, các doanh nghiệp nội địa đang nắm giữ hơn 70% thị phần xe điện hai bánh tại Việt Nam, trong đó dẫn đầu là VinFast và PEGA, tiếp đến là Dibao, Yadea và các thương hiệu khác.

Theo Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), dù doanh số xe máy điện tăng mạnh nhưng tỷ lệ sở hữu xe máy điện tại Việt Nam còn rất thấp, mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng xe hai bánh. Trong khi đó, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và ý thức về môi trường đang cải thiện rõ rệt. Dự báo đến năm 2030, xe máy điện có thể chiếm 30-40% tổng doanh số bán xe hai bánh. Nếu được hỗ trợ chính sách và hạ tầng hợp lý, thị trường này có thể đạt tới quy mô hàng triệu xe/năm.
PGS, TS. Đàm Hoàng Phúc - chuyên gia giao thông - cho rằng, điểm mạnh của xe máy điện là chi phí vận hành thấp và giảm mạnh khí phát thải, rất phù hợp cho các đô thị lớn. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là thói quen tiêu dùng và sự thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trạm sạc.
Hiện nay, chỉ có VinFast đầu tư hệ thống trạm sạc công cộng, với hơn 3.000 trạm trên toàn quốc, song chỉ tương thích với xe của hãng này sản xuất. Các thương hiệu khác hầu như chưa triển khai hoặc mới ở mức trạm sạc tại đại lý. So sánh với 17.000 cây xăng trên cả nước, độ phủ của trạm sạc còn quá khiêm tốn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua xe điện của người tiêu dùng - nhất là tại các tỉnh và khu vực nông thôn.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ hiện nay chủ yếu tập trung cho ô tô điện, trong khi xe máy điện - vốn chiếm thị phần phương tiện giao thông lớn nhất - lại chưa có ưu đãi thuế, phí hay tài chính tín dụng tương xứng. Đây là điều cần được điều chỉnh nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu chuyển đổi giao thông xanh.
Bài toán về hạ tầng cho xe điện
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc Trung tâm phát triển xe điện Việt Nam - cho rằng, Việt Nam đang ở thời điểm bản lề để thúc đẩy thị trường xe điện hai bánh phát triển bền vững. Bài toán hiện tại không chỉ là doanh số, mà là khả năng kiến tạo hệ sinh thái gồm sản xuất, pin, sạc, bảo dưỡng, tài chính và hành lang pháp lý đồng bộ.

Theo vị này, muốn xe máy điện Việt Nam thành công, ngoài ưu đãi về thuế thì doanh nghiệp phải làm chủ công nghệ pin, đầu tư vào trạm sạc chung và nâng cấp chuỗi cung ứng nội địa.
Các doanh nghiệp nội địa đang chủ động đầu tư, nghiên cứu công nghệ pin, như VinFast đã vận hành nhà máy sản xuất pin lithium tại Hà Tĩnh, PEGA hợp tác với đối tác Đức để phát triển hệ thống sạc và pin tiêu chuẩn mới. Các công ty khởi nghiệp như Selex đang xây dựng mạng lưới đổi pin tại Hà Nội và Đà Nẵng, mở ra hướng tiếp cận tiện lợi hơn cho người dùng.
Để thúc đẩy phát triển xe điện, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng để ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn dành riêng cho xe máy điện, trong đó chú trọng đến pin lithium, khả năng chống cháy nổ và hiệu suất sạc.
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục miễn lệ phí trước bạ đến năm 2027 cho xe điện dưới 9 chỗ và nghiên cứu mở rộng chính sách ưu đãi cho cả xe máy điện nếu thị trường đạt ngưỡng tiêu thụ ổn định.
Theo các chuyên gia, dự báo đến năm 2030, xe máy điện có thể chiếm 30-40% thị phần xe hai bánh tại Việt Nam nếu các yếu tố về hạ tầng, chính sách và công nghệ được cải thiện. Đến năm 2040, tỷ lệ này có thể lên tới 60% tại các đô thị lớn. Xe máy điện Việt Nam được kỳ vọng là động lực chính thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh.
Nhỏ gọn, nhiều tiện ích thông minh, chiếc xe máy điện giá 15 triệu đồng có gì đặc biệt?
Đổi xe xăng lấy xe máy điện Yadea, 100% khách hàng Việt còn nhận ưu đãi 'hiếm có khó tìm'