Theo thông tin tại báo cáo thường niên năm 2019, "chủ mới" đã lộ diện; Ban lãnh đạo công ty đánh giá rằng mỏ sẽ sớm được cấp phép khai thác trở lại.
CTCP Vàng Lào Cai (mã chứng khoán GLC) được xem là doanh nghiệp duy nhất có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán hoạt động trong lĩnh vực đào, khai thác vàng. Vàng Lào Cai đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ tháng 1/2019.
Từng đạt doanh thu trăm tỷ
Vàng Lào Cai được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu 45 tỷ đồng, đến nay công ty đã tăng vốn lên 105 tỷ đồng. Hoạt động chính là đầu tư dự án khai thác, tuyển và luyện vàng gốc mỏ vàng Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Sản phẩm của dự án là tinh quặng vàng hàm lượng (quy đổi) 82 gam Au/tấn, với sản lượng cỡ 7.450 tấn/năm, tương đương với khoảng 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm; tinh quặng vàng quy đổi ra vàng được phép khai thác lớn nhất 500 kg vàng/năm.
>>Thị trường vàng sẽ biến động thế nào trong năm 'Rồng'?
Những năm trước đây, từ 2016 đến 2018, doanh thu vàng Lào Cai đều đặn trăm tỷ mỗi năm. Lợi nhuận sau thuế năm 2016, 2017 đạt lần lượt 8,8 và 5,3 tỷ đồng. Riêng năm 2018 lãi tăng mạnh lên 17 tỷ đồng.
Năm 2019 việc kinh doanh của công ty bắt đầu giảm sút khi giấy phép khai thác vàng hết hạn từ tháng 4/2019. Sản lượng tinh quặng vàng tiêu thụ trong năm chỉ đạt 8,3 tấn trong khi năm 2018 là 214 tấn. Doanh thu hơn 11 tỷ đồng và ghi lỗ 15,6 tỷ đồng. Sau khi giấy phép khai thác hết hạn, công ty phải tạm dừng khai thác, chủ yếu tập trung vào bảo vệ tài nguyên.
Kết quả kinh doanh của vàng Lào Cai |
Trên BCTC năm 2019 của công ty, kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ. Cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ ghi nhận, do được bổ nhiệm làm kiểm toán viên của công ty sau ngày kết thúc niên độ tài chính nên không thể tham gia chứng kiến công việc kiểm kê hàng tồn kho tại thời điểm 31/12/2019 do vậy không đưa ra ý kiến về khoản mục này.
Ngoài ra kiểm toán cũng đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế của công ty là 53,3 tỷ đồng – còn nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 9,2 tỷ đồng. Tại thời điểm lập BCTC này Ban Giám đốc công ty tin rằng các chủ sở hữu và các bên liên quan sẽ tiếp tục hỗ trợ công ty, do vậy BCTC được lập dựa trên giả định là công ty hoạt động liên tục.
Năm 2020, 2021 và 2022 công ty tiếp tục không ghi nhận doanh thu do chưa xin được giấy phép tiếp tục khai thác. Bên cạnh đó khi TKV thoái vốn, nhân sự cũ nghỉ việc, công ty phải tập trung nguồn lực để cơ cấu bộ máy tổ chức, đồng thời tiếp tục hoàn thành các thủ tục pháp lý để xin gia hạn Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy phép khai thác, làm cho chi phí tăng cao.
Năm 2020, 2021, 2022 công ty ghi nhận lỗ lần lượt 15,5, rồi 16,1 và 9 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2022 công ty lỗ lũy kế hơn 99 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn chưa đến 6 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 105 tỷ đồng. Vàng Lào Cai cũng đang chìm trong nợ nần, tổng nợ tài chính đến cuối năm 2022 hơn 16 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Ai đang "ôm" gánh nợ vàng Lào Cai?
Dù hết phép khai thác đã lâu (năm 2019) và đến nay chưa được cấp phép lại, Ban lãnh đạo công ty vẫn rất lạc quan, đánh giá rằng mỏ sẽ sớm được cấp phép khai thác trở lại. Ban lãnh đạo cũng "hứa" rằng trong trường hợp cần thiết sẽ làm việc với các chủ nợ để gia hạn thanh toán, đồng thời xin ý kiến chủ sở hữu để bổ sung vốn nếu cần thiết.
Thực tế, báo cáo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh cho biết công tác khai thác trước đó của công ty gặp nhiều khó khăn, tình hình điều kiện địa chất, trữ lượng địa chất các thân quặng đã khai thông mở vỉa và triển khai khai thác cho thấy có sự biến động rất lớn so với báo cáo địa chất, bao gồm cả sự biến động về khối trữ lượng và cả về hàm lượng kim loại.
Quá trình triển khai khai thông mở vỉa bị chậm trễ do GPMB, nên khi công ty tiến hành khai thác, các khối quặng nằm trên cao đã bị vàng tặc khai thác hết trước khi thăm dò, nên phải đào sâu và gặp địa chất yếu.
Qua thực tế triển khai khai thác quặng nguyên khai từ 2014 cho thấy sai số của báo trữ lượng là rất lớn, địa chất biến động mạnh. Bên cạnh đó việc khai thác trái phép còn diễn ra rất phức tạp.
Ảnh minh họa |
Vàng Lào Cai ban đầu có 5 cổ đông góp vốn là Tổng công ty khoáng sản Vinacomin - CTCP (TKV - 33%); Công ty TNHH MTV Khoáng sản 3 (nay là CTCP Khoáng sản 3 Vinacomin (27%); Công ty khoáng sản Lào Cai (15%); Công ty TNHH Thái Nguyên (15%) và Công ty Đông Bắc (15%).
Tháng 3/2019, sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, nhà đầu tư mới - CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình đã từng bước tiếp quản, đưa người vào giữ các vị trí lãnh đạo.
CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình thành lập tháng 7/2001 tại đường Hoàng Hoa Thám, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội. Công ty do ông Nguyễn Tiến Trung làm Chủ tịch HĐQT. Tháng 10/2018 công ty tiến hành tăng vốn điều lệ từ 328 tỷ đồng lên hơn gấp đôi, đạt 689 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Trung cũng là người đại diện cho loạt doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Dệt Hà Nội - Hưng Yên; CTCP Việt Kim Lai Châu; CTCP Việt Kim Yên Bái.
Tại vàng Lào Cai, hiện bà Hoàng Thị Quế, sinh năm 1984, đang là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Bà Quế cũng đang là người đại diện của loạt doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Alpha Thành Công; Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Phát triển Phúc Thịnh; Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Đại Phú Hải.
>> Doanh nghiệp hôm nay: Hòa Phát (HPG) - số 1 thị phần ngành thép nhìn từ khoản nợ 65.000 tỷ đồng
Doanh nghiệp hôm nay: Hòa Phát (HPG) - số 1 thị phần ngành thép nhìn từ khoản nợ 65.000 tỷ đồng
Một quốc gia vượt Ấn Độ, trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều vàng nữ trang nhất thế giới